Hơn 175.000 người tại gần 200 trường học phải tạm nghỉ vì 3 ca mắc COVID-19 mới ở TP.HCM

12:15 | 04/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến hết ngày 3/12, tại TPHCM đã có trên 175.000 giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên của gần 200 trường tất cả các bậc học phải nghỉ do ảnh hưởng của 3 ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn.
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 của thành phố chiều tối 3/12, ông Lê Hồng Sơn, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết về tình hình công tác giáo dục trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
 
Cụ thể, số giáo viên học sinh các cấp học bị ảnh hưởng là trên 8.210 học sinh, 663 giáo viên tại 8 trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn phải tạm nghỉ.

Ở khối Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, gần 161.000 sinh viên, gần 5.800 giảng viên, nhân viên phải tạm nghỉ. Sở dĩ các trường đại học, cao đẳng bị ảnh hưởng nặng nề là do có BN 1342 từng đi học và BN 1347 là giáo viên tiếng Anh từng đến một số trường dạy học.
 
175.000 GV, HS phải tạm nghỉ do 3 ca mắc COVID-19 ở TP.HCM
Sinh viên phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt khi vào Trường ĐH Công nghệ TP HCM

Trước đó, ngày 22/11, bệnh nhân 1342 có đến trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh học hệ ĐH từ xa ngành ngôn ngữ Anh của trường. Ngoài học trên lớp, bệnh nhân còn luyện ngữ âm với giảng viên. Sau đó 2 giảng viên và 25 sinh viên đã được đưa đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật để cách ly vì tiếp xúc với bệnh nhân này.

Vào sáng ngày 2/12, trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh cũng đã ra thông báo cho hơn 10.000 sinh viên nghỉ học từ ngày 3/12 đến ngày 6/12.

Tương tự, trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng cho 23.000 sinh viên nghỉ học vì có một sinh viên (khoa điện - điện tử) tham gia lớp học tiếng Anh của bệnh nhân 1347 giảng tại quận 10 vào ngày 24/11. Do đó, trường cho học sinh nghỉ từ ngày 2 đến 6/12, chuyển sang học online (trực tuyến), hạn chế tối đa việc tập trung đông người.

Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã quyết định cho sinh viên, học sinh, học viên học trực tuyến từ 12h ngày 2/12 đến hết ngày 13/12 để phòng chống dịch.
 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, Trung tâm kiểm soát bệnh tật cùng Sở GD&ĐT, cơ quan y tế quận, huyện cần bàn bạc bàn bạc để có sự thống nhất, xác định thời gian nghỉ học cụ thể cho học sinh của các trường bị ảnh hưởng.
 
Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, tránh tình trạng nghỉ từng chút một gây khó khăn cho cho phụ huynh. Cần có lịch nghỉ học cụ thể, 1 tuần hay bao lâu để học sinh, sinh viên, phụ huynh và nhà trường thuận lợi về mặt thời gian trong sinh hoạt, học tập.
 
Tại cuộc họp, thành phố xác định, trong tháng cuối năm 2020, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đây cũng được xác định là nhiệm vụ đầu tiên của năm 2021 để giữ vững các kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được. Mỗi người phải có trách nhiệm với chính sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng bằng những hành động cụ thể như thường xuyên rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, thực hiện tốt các hướng dẫn y tế.
 
Sau khi ghi nhận một số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn TP.HCM, ngày 2/12, Bộ GD-ĐT đã ký văn bản gửi tới các sở GD-ĐT; các ĐH, học viện, trường ĐH sư phạm , CĐ sư phạm và trung cấp sư phạm yêu cầu nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
 
Bộ lưu ý các sở, các trường hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người nếu không thực sự cần thiết, thực hiện nghiêm túc "Thông điệp 5K" - tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, dạy và học. Giám đốc các sở, giám đốc các ĐH, học viện, hiệu trưởng các trường tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm về việc phòng chống dịch thuộc phạm vi quản lý.
 
Khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng tránh lây nhiễm COVID-19
 
 
Hà Ly (t/h)