Hơn 3.000 nhà máy ở Bình Dương giữ nhịp sản xuất nhờ thực hiện “3 tại chỗ”

06:36 | 04/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại tỉnh Bình Dương, hơn 3.000 nhà máy vẫn hoạt động bình thường trong tình dịch bệnh phức tạp nhờ thực hiện nghiêm túc “3 tại chỗ” – cùng ăn, ở, sản xuất.

Thực hiện “mục tiêu kép”

Việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch là rất quan trọng trong thời điểm hiện tại. Theo VnE, hơn một tháng qua, Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam ở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên vẫn ổn định sản xuất khi tổ chức gần 180 công nhân làm việc tại nhà máy. Do có phương án phòng chống COVID-19 từ trước nên khi dịch bùng phát ở thị xã Tân Uyên, nhà máy đã chủ động cho người lao động ăn ở, sản xuất tại chỗ dù địa phương chưa có hướng dẫn cụ thể.

Giám đốc của công ty này cho biết, họ tự lên kế hoạch rồi điều chỉnh dần với tinh thần cách ly hoàn toàn bên ngoài.

Ở khâu giao nhận nguyên vật liệu, nhà máy chấp nhận rủi ro khi bỏ qua bước kiểm tra mẫu. Tài xế không cần xuống xe xuất trình hóa đơn, giấy xét nghiệm âm tính với nCov mà sẽ chụp hình gửi online cho bảo vệ. Sau đó bộ phận kho in ra, ký và chuyển tới quầy chứng từ dã chiến đặt ngoài nhà máy. Nguyên liệu được khử khuẩn, sau 48 giờ mới đưa vào phân xưởng. Toàn bộ quá trình được hệ thống camera giám sát.

Hơn 3.000 nhà máy ở Bình Dương giữ nhịp sản xuất nhờ thực hiện “3 tại chỗ” - ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động nhờ thực hiện "3 tại chỗ". Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp đặc biệt chú ý ngăn dịch vào nhà máy theo đường công nhân. Ngoài xét nghiệm đầu vào, tầm soát định kỳ, công ty trang bị tất cả vật dụng cá nhân từ áo quần, khăn mặt, dầu gội đầu, kem đánh răng cho toàn bộ lao động... Do thời gian thực hiện phương án ăn nghỉ, sản xuất kéo dài, nhà máy cố gắng tạo sự thoải mái nhất cho lao động bằng việc cung cấp cà phê, nước ngọt... cho người có nhu cầu vào một số giờ nhất định.

Vẫn theo VnE, là một trong doanh nghiệp đầu tiên thực hiện "3 tại chỗ", 5 xưởng sản xuất đặt ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM với hơn 1.200 công nhân của Công ty cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam vẫn an toàn trước dịch sau hơn một tháng vận hành. Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc công ty cho hay đạt được điều này nhờ doanh nghiệp chủ động tổ chức tầm soát COVID-19, tuân thủ nghiêm phương án đã đề ra.

Tuần cuối của tháng 6, các nhà máy đã dựng lều trạị cho công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ khi dịch tại các địa phương chưa phức tạp, mầm bệnh chưa xâm nhập sâu vào lực lượng công nhân. Việc phối hợp các đơn vị y tế xét nghiệm đầu vào cho lao động vì thế thuận lợi. Khi dịch bùng phát mạnh, công ty chủ động xét nghiệm sàng lọc cho công nhân bằng cách đưa nhân viên y tế nhà máy đi tập huấn lấy mẫu, tự mua các bộ kit test nhanh.

Theo thống kê, tính đến ngày 29/7, tổng số doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” là 3.436 doanh nghiệp.

Cụ thể, trong khu công nghiệp có 1.894 doanh nghiệp với gần 273.842 lao động đăng lý làm việc; ngoài khu công nghiệp có 1.542 doanh nghiệp với gần 117.179 lao động đăng ký làm việc. Khi công nhân ở lại làm việc tại nhà máy, các doanh nghiệp được lo ăn, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết và một số đơn vị có chi hỗ trợ phụ cấp thêm, trung bình từ 1-3 triệu đồng/người/tháng.

Chỉ tính riêng hệ thống Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 191 doanh nghiệp đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” với hơn 46.000 công nhân.

Chỉ nên thực hiện ở nơi dịch bệnh vẫn kiểm soát được

Theo đề nghị của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ gửi Thủ tướng, chỉ nên tính toán thực hiện mô hình “3 tại chỗ” ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban IV, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu thực hiện “3 tại chỗ” (ăn-ở-sản xuất) trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Nhưng thực tế cho thấy, nhiều nhà máy không đáp ứng được yêu cầu này và đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong thời gian quá ngắn, hoặc do công năng thiết kế trước đó của các nhà máy hạn chế, không sẵn sàng cho hoạt động ăn, ở, ngủ nghỉ thời gian dài của hàng trăm, hàng nghìn con người.

Hơn 3.000 nhà máy ở Bình Dương giữ nhịp sản xuất nhờ thực hiện “3 tại chỗ” - ảnh 2

Công ty TNHH Điện tử Foster (Việt Nam) thực hiện "3 tại chỗ" cho 700 người lao động. (Ảnh: TTXVN phát)

Mô hình “3 tại chỗ” đã được các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh vận hành tương đối hiệu quả, bằng sự tuân thủ nghiêm của doanh nghiệp với các hướng dẫn về phòng chống dịch và sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho hay, với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng hết sức quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối, khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Từ bài học ở Bắc Giang và Bắc Ninh, Ban IV và các hiệp hội đã đề xuất nên tính toán thực hiện mô hình “3 tại chỗ” ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”.

Minh Anh (T/h)