Hơn 50.000 lọ thuốc kháng Covid-19 Remdesivir của Vingroup đã về đến Việt Nam

23:01 | 21/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tối 21/8, chuyến bay chở lô thuốc hơn 50.000 lọ thuốc kháng Covid-19 Remdesivir của Vingroup tiếp tục về đến Tân Sơn Nhất.

50.000 lọ kháng Covid-19 Remdesivir "hạ cánh" xuống Tân Sơn Nhất

Chuyến bay MH195 của Malaysia Air hành trình từ sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji (ở Mumbai, Ấn Độ) đưa lô thuốc hơn 50.000 lọ kháng Covid-19 Remdesivir đến Kuala Lumpur (Maylaysia). Từ sân bay này, chuyến bay MH766 đảm nhận chở lô hàng tiếp tục hành trình từ Kuala Lumpur đến TP.HCM, hạ cánh an toàn tại Tân Sơn Nhất vào 18h45 ngày 21/8.

Lô hàng gồm 6 thùng hàng, hơn 50.000 lọ thuốc Remdesivir. Đây cũng là lô Remdesivir thứ 2 về Việt Nam trong số 500.000 lọ Remdesivir được Tập đoàn Vingroup nhập khẩu, tặng cho Bộ Y tế để phục vụ công tác chữa trị khẩn cấp.

Hơn 50.000 lọ thuốc kháng Covid-19 Remdesivir của Vingroup đã về đến Việt Nam - ảnh 1

Lô thuốc chữa Covid-19 được vận chuyển về đến Việt Nam vào tối 21/8.

Remdesivir là thuốc kháng virus do Công ty dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất dưới sự cho phép của Gilead Sciences, Mỹ. Loại thuốc này được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir được 50 quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.

Hơn 50.000 lọ thuốc kháng Covid-19 Remdesivir của Vingroup đã về đến Việt Nam - ảnh 2

Lô hàng gồm 6 thùng hàng, hơn 50.000 lọ thuốc Remdesivir.

Với 500.000 lọ, số thuốc trên có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, thông qua nguồn tặng, viện trợ, thời gian qua Việt Nam cũng đã sử dụng Remdesivir để điều trị cho một số bệnh nhân Covid-19 tại một số cơ sở y tế. Kết quả bước đầu cho thấy thuốc Redemsivir giúp bệnh nhân giảm lượng virus nhanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia điều trị lưu ý, người dân tuyệt đối không săn lùng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc này. Việc chỉ định, liều lượng sử dụng thuốc Remdesivir phải do các bác sĩ tại các cơ sở điều trị ra y lệnh.

Vin sẽ xuất xưởng vaccine và đầu năm 2022

Trước đó, Tập đoàn Vingroup cũng đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu năm 2022.

Theo thoả thuận Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty Cồ phần Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vaccine phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vaccine ARCT-154 của Arcturus). Vaccine này có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)…

Đồng thời, Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; Đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; Cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus.

VinBioCare cũng được Arcturus cấp quyền sản xuất tất cả vaccine phòng Covid-19 khác của hãng như ARCT-021 (1 mũi) và các vaccine trong tương lai để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Được biết, nhà máy sản xuất vaccine của VinBioCare sẽ đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD; công suất 200 triệu liều mỗi năm.

Hiện nay VinBiocare đã ký kết xong các hợp đồng mua sắm máy móc thiết bị, dự kiến trong tháng 9/2021 ngay khi nhận máy sẽ dùng chuyên cơ chuyển về Việt Nam để tiết kiệm thời gian vận chuyển. Công tác xây dựng nhà xưởng cũng đã cơ bản hoàn thành, việc lắp đặt thiết bị dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 11/2021.

Tập đoàn Vingroup là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch như: Dự án sản xuất máy thở, hỗ trợ các gói trang thiết bị y tế, máy và hóa chất xét nghiệm virus SARS-CoV-2; tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19 ; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch... với số tiền lên tới trên 1.277 tỷ đồng trong năm 2020.

Sáng 21/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt ngành Y tế tiếp nhận hỗ trợ 4 triệu liều Vaccine phòng dịch COVID-19 từ Tập đoàn Vingroup. Trước đó, Tập đoàn đã tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng Vaccine phòng dịch COVID-19 “Made in Vietnam” COVIVAC cho Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất.

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc Remdesivir 100mg trong hỗ trợ điều trị Covid-19. Ưu tiên cho nhóm nguy cơ cao như người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì.

Hướng dẫn này được thực hiện dựa trên hướng dẫn FDA Hoa Kỳ và cơ quan quản lý Dược phẩm châu Ấu (EMA), theo truyền thông Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Remdesivir là thuốc hỗ trợ điều trị, không phải là thuốc đặc trị Covid-19. Các bệnh nhân có suy hô hấp phải thở oxy, thở máy không xâm nhập trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh sẽ được dùng Remdesivir. Việc chỉ định dùng thuốc được thực hiện sau khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.

Bộ Y tế lưu ý không bắt đầu sử dụng thuốc cho người bệnh COVID-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO. Riêng đối với các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ thuốc này chống chỉ định với trường hợp phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc; Suy chức năng thận eGFR < 30mL/phút; Tăng enzyme gan ALT > 5 lần giá trị giới hạn trên; Suy chức năng đa cơ quan nặng và thận trọng sử dụng với phụ nữ có thai, cho con bú: Chưa có dữ liệu đầy đủ. Không khuyến cáo trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ. 

Phạm Giang