Hướng dẫn mới về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

15:57 | 08/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2013 về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Luật trồng trọt và các văn bản hướng dẫn Luật trồng trọt có các khái niệm cũng như quy định mới, do vậy việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT nhằm thống nhất các khái niệm, thuật ngữ tạo thuận lợi cho công tác quản lý giống cây trồng là cần thiết.
 
Thực tiễn công tác bảo hộ giống cây trồng những năm qua cho thấy: Một số điều, khoản tại Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT không còn phù hợp khi Việt Nam áp dụng bảo hộ tất cả các loài cây trồng theo cam kết khi tham gia Hiệp hội Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng (UPOV). Đồng thời, việc áp dụng các quy định liên quan đến thủ tục hành chính tại Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT không còn phù hợp, cần phải chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với định hướng cải cách hành chính của Chính phủ.
 
Hướng dẫn mới về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng - ảnh 1
Hướng dẫn mới về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng (ảnh minh họa)
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT với 12 khoản sửa đổi các điều, khoản tại Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT.
 
Trong đó, về quy định giống cây trồng được biết đến rộng rãi, theo quy định tại Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT, giống cây trồng cùng loài với giống đăng ký bảo hộ được coi là giống cây trồng được biết đến rộng rãi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1- Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó đã được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ; 2- Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc được công nhận sản xuất thử, công nhận chính thức hoặc có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào; 3- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới hoặc đơn đăng ký khảo nghiệm hoặc đơn đăng ký công nhận giống cây trồng mới tại Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.
 
Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
 
1- Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia thành viên UPOV nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ.
 
2- Giống cây trồng được bảo hộ hoặc được công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành tại Việt Nam hoặc thuộc danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh ở bất kỳ quốc gia thành viên UPOV nào.
 
3- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới hoặc đã nộp hồ sơ đăng ký cấp Quyết định lưu hành hoặc hồ sơ đề nghị tự công bố lưu hành tại Việt Nam hoặc vào Danh mục giống bất kỳ ở quốc gia thành viên UPOV nào, nếu các đơn này không bị từ chối.
 
Giống cây trồng được coi là không còn tính mới và không đủ điều kiện được đăng ký bảo hộ sau 12 tháng kề từ ngày giống được cấp quyết định lưu hành hoặc tự công bố lưu hành.
 
Cấp bằng bảo hộ giống cây trồng
 
Theo dự thảo, trong các trường hợp sau, Cục trưởng Cục Trồng trọt ban hành Quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng: 1- Cấp mới Bằng bảo hộ theo mẫu sau khi Văn phòng bảo hộ giống cây trồng hoàn thành thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật như quy định tại Điều 20 Nghị định 88/2010/NĐ-CP; 2- Trường hợp bằng bị rách, hỏng, mất hoặc đổi chủ sở hữu, chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền yêu cầu cấp lại hoặc đổi bằng và phải trả phí theo quy định.
 
Chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng trong trường hợp có thay đổi thông tin trong Bằng bảo hộ hoặc Bằng bảo hộ giống cây trồng bị mất hoặc rách, hỏng đến mức không đọc được. Yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng phải được thể hiện bằng văn bản với đầy đủ các thông tin: Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp lại bằng; lý do cấp lại kèm theo các tài liệu làm căn cứ cho yêu cầu cấp lại.
Trình tự thủ tục cấp lại bằng bảo hộ được đề xuất như sau: Việc thẩm định yêu cầu sửa đổi, cấp lại bằng bảo hộ hoàn thành trong thời gian 15 ngày làm việc.
 
Trường hợp yêu cầu sửa đổi, cấp lại bằng thiếu căn cứ pháp lý, Thông báo yêu cầu bổ sung các căn cứ trong đó ghi rõ lý do bổ sung được gửi tới Tổ chức, cá nhân yêu cầu sửa đổi cấp lại bằng đồng thời ấn định thời gian bổ sung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Trường hợp yêu cầu sửa đổi, cấp lại bằng phù hợp với các quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các quy định pháp lý liên quan, Quyết định cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng được ban hành đồng thời công bố trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
 
Quyết định cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Điều 20 Nghị định 88/2010/NĐ-CP được cấp sau 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bằng bảo hộ được cấp lại phải ghi rõ: Cấp sửa đổi hoặc cấp lại và số quyết định cấp lại bằng.
 
Nguyễn Triệu