Hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh
Bộ Công Thương cho biết, xác định thị trường liên quan là một trong những nội dung quan trọng của Luật Cạnh tranh. Theo quy định của Luật Cạnh tranh, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định rõ cách thức xác định thị trường sản phẩm và thị trường địa lý liên quan.
Về xác định thị trường sản phẩm liên quan, dự thảo Nghị định quy định cụ thể yếu tố để xác định khả năng thay thế cho nhau của hàng hoá, dịch vụ về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Khả năng thay thế về đặc tính được xác định theo các yếu tố đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ; thành phần chủ yếu; tính chất vật lý; tính chất hóa học; tính năng kỹ thuật; tác dụng phụ; khả năng hấp thu của người tiêu dùng; tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định khả năng thay thế về cung và xác định thị trường sản phẩm liên quan trong trường hợp đặc biệt.
Đối với đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận hạn chế cạnh tranh, dự thảo nêu rõ: Tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận hạn chế cạnh tranh là yếu tố được xem xét nhằm xác định thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 12 Luật Cạnh tranh. Điều 13 Luật Cạnh tranh quy định các yếu tố để đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm: Mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận; rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; mức độ hạn chế nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc hạn chế năng lực công nghệ… Nghị định quy định theo hướng tuỳ từng vụ việc, yếu tố chủ yếu nhất sẽ được xác định khi tiến hành điều tra và có thể điều chỉnh một cách phù hợp căn cứ vào các chứng cứ và số liệu thu thập được.
Về mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận: Đối với trường hợp thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ xem xét tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận từ 10% trở lên. Trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ xem xét tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận nếu thị phần của mỗi doanh nghiệp tham gia thỏa thuận trên bất kỳ thị trường liên quan của hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đó từ 10% trở lên.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.