Hướng dẫn thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định tại Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009, quy định “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này”.
Cũng như vai trò quan trọng của nhãn hiệu (thương hiệu, logo) và bản quyền, kiểu dáng công nghiệp chính là một trong những đối tượng bảo hộ cho sản phẩm của doanh nghiệp, một kiểu dáng công nghiệp được thể hiện đẹp mắt, có sự kết hợp hài hòa giữa các yêu tố sẽ tạo ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người sử dụng và thu hút được khách hàng sử dụng sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp đó.
Sau khi đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp sẽ được độc quyền sử dụng kiểu dáng đó trong vòng 15 năm tính từ ngày nộp đơn. Do đó, giúp khách hàng có chiến lược kinh doanh sản phẩm lâu dài và có biện pháp pháp lý cần thiết để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, xử lý hành vi xâm phạm kiểu dáng của đối thủ.
Ngoài ra, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trường hợp doanh nghiệ không có nhu cầu sử dụng thì có thể chuyển quyền sử dụng kiểu dáng đó cho bên khác để thu phí sử dụng kiểu dáng.
Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp là một quá trình bao gồm nhiều bước đăng ký. Cụ thể như sau:
Bước 1: Thiết kế kiểu dáng công nghiệp và lựa chọn mẫu kiểu dáng công nghiệp đăng ký
Việc thiết kế kiểu dáng công nghiệp là quá trình đầu tiên trong thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp, khi thiết kế kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp cần lưu ý các trường hợp sau sẽ không được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp.
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Bước 2: Tra cứu khả năng đăng ký của kiểu dáng công nghiệp
Sau khi đã thiết kế và lựa chọn mẫu kiểu dáng công nghiệp đăng ký, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục tra cứu khả năng đăng ký kiểu dáng trước khi nộp đơn chính thức để đăng ký kiểu dáng.
Lưu ý: Việc tra cứu khả năng đăng ký kiểu dáng công nghiệp là rất quan trọng nhưng không phải là thủ tục bắt buộc, khách hàng có thể cân nhắc việc tra cứu.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp là tính mới (kiểu dáng chưa được bộc lộ dưới bất kỳ hình thức nào trước thời điểm nộp đơn), do đó, chỉ sau khi đã nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp khách doanh nghiệp mới nên tiến hành công bố rộng rãi kiểu dáng công nghiệp đó.
Bước 3: Nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Sau khi đã tiến hành thủ tục tra cứu khả năng đăng ký của kiểu dáng công nghiệp, khách hàng sẽ tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại cơ quan chức năng để nhận được ngày ưu tiên sớm nhất.
Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp bao gồm các tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo mẫu (tờ khai được lập thành 02 bản, được chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn ký tên & đóng dấu vào tờ khai)
- 02 bộ ảnh chụp kiểu dáng công nghiệp bao gồm các ảnh phía trên, dưới, trái, phải, trước, sau và toàn bộ của kiểu dáng công nghiệp
- Chứng từ lệ phí cho việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- Hợp đồng ủy quyền hoặc Giấy ủy quyền cho tổ chức đại diện tiến hành nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp là Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam có địa chỉ tại thành phố Hà Nội và 2 văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Đã Nẵng.
Tùy thuộc vào vị trí địa lý mà doanh nghiệp chọn lựa nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại đâu hoặc có thể nộp qua đường bưu điện.