Huy động vốn trái phép tại dự án Sdowntown Thanh Trì: Có thể bị phạt tiền lên đến 300 triệu đồng

11:00 | 24/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tình trạng chủ đầu tư dự án Sdowntown Thanh Trì lách luật, huy động vốn trái phép là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng, có thể bị phạt tiền lên đến 300 triệu đồng.

Việc các chủ đầu tư (CĐT) lách luật, huy động vốn trái phép tại các dự án bất động sản (BĐS) diễn ra khá phổ biến kéo dài trong suốt thời gian qua, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua. Theo quan điểm của chuyên gia pháp lý, chế tài xử phạt hành vi này khá đầy đủ nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn vi phạm.

Chính vì lẽ đó nên nhiều chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thực hiện huy động vốn trái phép, điển hình đó là dự án Sdowntown Thanh Trì. Mặc dù dự án này chưa xây dựng xong kết cấu hạ tầng nhưng đã được CĐT là Công ty CP Tập đoàn HDB Việt Nam và Công ty TNHH phân phối VHG (sàn phân phối VHG) quảng cáo rầm rộ, rao bán trên thị trường theo hình thức phân lô, bán nền.

Huy động vốn trái phép tại dự án Sdowntown Thanh Trì: Có thể bị phạt tiền lên đến 300 triệu đồng - ảnh 1

Dự án Liền kề Sdowntown Thanh Trì nằm trên đường Phan Trọng Tuệ cho tới thời điểm hiện tại vẫn “nằm im bất động” thế nhưng CĐT đã rầm rộ rao bán, huy động vốn trái phép từ nhiều năm nay.

Theo quảng cáo trên nhiều website, dự án nhà ở liền kề Sdowntown Thanh Trì nằm trên đường Phan Trọng Tuệ (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) có CĐT là Công ty CP Tập đoàn HDB Việt Nam và Công ty TNHH phân phối VHG (sàn phân phối VHG). Dự án nằm trên tổng diện tích 2,04ha gồm 160 lô liền kề và shophouse; giá liền kề dự kiến : 65-75 tr/m2 (đối với căn thường); Giá Shophouse dự kiến: 130-150 tr/m2 (mặt đường 50m).

Từ năm 2019, Công ty TNHH phân phối VHG cùng CĐT đã phân lô bán nền hàng trăm căn liền kề khi chưa được Sở xây dựng cấp giấy phép xây dựng, chưa có văn bản chấp thuận kinh doanh, mở bán sản phẩm bất động sản của dự án. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì dự án vẫn “đắp chiếu” và không có gì thay đổi.

Trong vai khách hàng cần đầu tư, phóng viên (PV) đã có mặt tại dự án Sdowntown Thanh Trì, nhưng thực tế tại đây khác xa những lời quảng cáo hoa mỹ. Trên thực tế dự án Sdowntown Thanh Trì đã và đang có dấu hiệu lừa dối khách hàng bằng các giao dịch mua bán sản phẩm bất động sản khi chưa đủ các giấy tờ pháp lý, có dấu hiệu huy động vốn trái phép... Liệu dự án này có đáng để khách hàng quan tâm và đâu tư hay không? Việc đầu tư một dự án án chưa đủ điều kiện pháp lý, chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã mở bán sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho khách hàng.

Trước những thông tin về việc dự án Sdowntown Thanh Trì mở bán khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhập nhèm thủ tục pháp lý, PV đã liên hệ làm việc với CĐT là Công ty CP Tập đoàn HDB Việt Nam. Tuy nhiên, CĐT dự án này lại “im lặng đến khó hiểu”. Cùng với đó, PV đã đặt lịch làm việc đến Sở Xây dựng Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì, Công ty TNHH phân phối VHG (sàn giao dịch VHG) thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức nào.

Dưới góc độ pháp lý nhìn nhận về vấn đề này, Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Đối với việc huy động vốn phục vụ phát triển nhà ở thương mại, theo Điều 69 Luật Nhà ở 2014 thì CĐT có thể huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoặc thông qua tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 68 Luật Nhà ở 2014 cũng quy định, CĐT khi huy động vốn phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Căn cứ tại khoản 1 Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh xác định CĐT phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Huy động vốn trái phép tại dự án Sdowntown Thanh Trì: Có thể bị phạt tiền lên đến 300 triệu đồng - ảnh 2

Việc huy động vốn trái phép tại dự án Sdowntown Thanh Trì có thể bị phạt tiền lên đến 300 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Hoàng Tùng thông tin, theo Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định như sau: Trường hợp huy động vốn thông qua tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai thì CĐT phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Tuy nhiên, dự án Sdowntown hiện nay vẫn chỉ là bãi đất trống, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý. Đồng thời, nhân viên tư vấn của Công ty TNHH phân phối VGH cũng cho biết “hiện tại dự án chưa có giấy phép xây dựng”. Như vậy, việc huy động vốn của CĐT thông qua hình thức ký kết hợp đồng mua bán căn hộ liền kề với khách hàng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện là trái pháp luật.

Trường hợp ký hợp đồng huy động vốn không đúng với quy định thì không được pháp luật công nhận; CĐT bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP: “4. Phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với CĐT dự án kinh doanh bất động sản có một trong các hành vi sau đây: …

“Huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết”. Tại điểm a, khoản 3, Điều 57. Vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản 3. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định”.

Luật sư Hoàng Tùng bày tỏ quan điểm về sự việc: Qua những vấn đề trên cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác định có hành vi vi phạm hay không? Hành vi vi phạm cụ thể là gì để tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Có thể nói, những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản dạng như trên hiện nay không phải là hiếm. Các cơ quan chức năng cần phải thắt chặt hơn công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm để ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm.

Đối với người dân, khách hàng có nhu cầu cũng vậy, trước khi ký hợp đồng cần phải tìm hiểu kỹ các quy định, hồ sơ pháp lý của dự án để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của mình.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài sau!
 
Minh Phúc