Huyện đảo Trường Sa sau khi bão số 9 càn quét: Quân dân trên đảo đều an toàn
Đây là thông tin mới nhất nhận được từ Đại tá Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, đồng thời là Phó Lữ đoàn Trưởng, Lữ đoàn 146, thuộc Vùng 4 Hải Quân Việt Nam cập nhật từ huyện đảo Trường Sa, Việt Nam.
Huyện đảo Trường Sa, thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa là một trong những phần lãnh thổ đầu tiên của Việt Nam chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9 Molave. Từ sáng ngày hôm qua (27/10), trên địa bàn huyện đảo đã xuất hiện những cơn mưa lớn. Ghi nhận tại đảo Song Tử Tây, bão số 9 Molave đã gây ra gió cấp 8 tới cấp 9. Đại tá Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết, về thiệt hại tài sản, phía Bắc quần đảo có một số cây tra, phong ba bị gãy đổ. Phía nam quần đảo không có nhiều thiệt hại đáng kể.
Huyện đảo Trường Sa an toàn sau cơn bão số 9
Huyện đảo Trường Sa đã chủ động thực hiện công tác phòng chống bão nên phần lớn các cơ sở vật chất đều được đảm bảo. Quan trọng hơn cả, ông Lê Đình Hải còn thông tin thêm, 'Hiện quân dân trên đảo đều an toàn'. Tuy cơn bão số 9 hiện đang tiến dần vào đất liền Việt Nam, nhưng trên quần đảo Trường Sa vẫn xuất hiện mưa lớn từng cơn. Tại quần đảo Trường Sa, âu tàu Song Tử Tây có 30 tàu ngư dân tránh trú và 50 tàu đang neo đậu trong âu tàu Đá Tây.
Trước đó, từ vài ngày trước khi cơn bão số 9 đổ bổ, các âu tàu đảo Đá Tây, bộ đội, hải quân đã đón tổng cộng 20 tàu câu mực và gần 500 ngư dân hoạt động trên biển vào trú tránh bão. Thời tiết ghi nhận tại thời điểm trước khi cơn bão đổ bổ có sóng lớn, mây mù và gió thổi mạnh. Lãnh đạo đảo Song Tử Tây cho biết, đảo này đã đón hơn 1.000 ngư dân, thuyền viên và gần 30 tàu cá vào âu tàu tránh bão số 9. Các tàu cá chủ yếu có biển số và hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 9, lãnh đạo các Vùng Hải quân trên biển cũng nhận được chỉ đạo từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải Quân quán triệt các nhiệm vụ hàng đầu trong công tác phòng, chống bão số 9. Cụ thể, thực hiện tăng cường quan sát mặt biển, giữ vững liên lạc chặt chẽ, thông suốt với các tàu trực ngoài biển để đón tàu cá và nhân dân, bà con ngư dân tiến vào tránh bão tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Ngoài ra, các tàu trực sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển, khi cần thiết sẵn sàng sơ tán ngư dân khi có lệnh.
Xem thêm: Phó Thủ tướng yêu cầu điều tàu Hải Quân công suất lớn và tàu kiểm ngư tiếp cận tàu cá gặp nạn
Thùy Dương