Hy sinh lợi nhuận mảng môi giới để giành thị phần, các CTCK giải bài toán nguồn thu ra sao?
Trong quý I, doanh thu và lợi nhuận của ngành chứng khoán đã thiết lập mặt bằng mới ở mức cao nhờ thanh khoản dồi dào và sự sẵn sàng nhập cuộc của dòng tiền “bắt đáy” dù thị trường gặp phải nhiều áp lực điều chỉnh do các yếu tố bất lợi. Kết quả kinh doanh quý I/2024 của nhóm chứng khoán thậm chí còn đạt mức cao nhất trong 8 quý gần đây.
Đáng chú ý, kết quả trên được dẫn dắt chủ yếu bởi mảng tự doanh và cho vay margin của các công ty, trong khi mảng môi giới ngày càng co hẹp.
Hy sinh lợi nhuận mảng môi giới, các CTCK quyết liệt giành thị phần
Theo thống kê của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), gần 70% thị phần môi giới trên HSX tập trung vào top 10. Trong đó Chứng khoán VPS dẫn đầu, tiếp theo là SSI, TCBS, VND, HSC…
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, đóng góp của doanh thu và lợi nhuận từ mảng môi giới trong kết quả kinh doanh của các CTCK ngày càng giảm tỷ trọng khi xu hướng cắt giảm phí và thậm chí là chính sách zero fee được áp dụng ngày càng phổ biến ở các CTCK - đặc biệt là những CTCK có gốc ngân hàng (MBS, TCBS).
Điều này cho thấy sự cạnh gay gắt của các CTCK trong việc cắt giảm phí, sẵn sàng hy sinh lợi nhuận mảng môi giới để tranh giành và mở rộng thị phần; từ đó thu hút thêm khách hàng để hướng đến nguồn thu khác (đặc biệt là từ cho vay margin) nhờ lợi thế lãi huy động ở mức thấp.
Dư địa cho vay margin mở rộng theo cuộc đua tăng vốn
Trong bối cảnh doanh thu môi giới suy giảm, kết quả kinh doanh quý I ấn tượng của các CTCK được dẫn dắt chủ yếu bởi mảng Tự doanh và Cho vay margin, phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu doanh thu.
Theo PHS, nhờ lợi thế ngân hàng mẹ, các CTCK có gốc ngân hàng trong các năm qua đã nhanh chóng vươn lên top đầu về vốn điều lệ khi liên tục được tăng vốn. Với lợi thế nguồn vốn, nhóm này đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh như Tự doanh, Bảo lãnh phát hành và Cho vay margin, qua đó vươn lên dẫn đầu về lợi nhuận. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong cuộc chiến thị phần của ngành chứng khoán, cũng như đem đến lợi ích cho khách hàng.
Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý I/2024 của 52 CTCK, đại diện 94% quy mô vốn chủ sở hữu toàn ngành cho thấy, dư nợ margin tính đến cuối tháng 3/2024 là gần 193.300 tỷ đồng, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,2% so với cuối năm 2023.
Cũng theo FiinTrade, tỷ lệ dư nợ margin/tổng vốn chủ sở hữu các CTCK tính đến cuối tháng 3/2024 là 0,87 lần, tăng so với mức 0,75 lần cuối năm 2023, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức 1,3 lần cuối tháng 3/2022. Lý do là quy mô vốn chủ sở hữu của các CTCK đã tăng mạnh trong thời gian qua.
PHS kỳ vọng dư địa cho vay margin thời gian tới sẽ mở rộng hơn nữa khi tại Đại hội đồng cổ đông 2024, các CTCK đã thông qua hàng loạt kế hoạch tăng vốn khổng lồ trước thềm triển khai hệ thống KRX cũng như nâng hạng.
"Giờ đây các CTCK đều bước vào cuộc chiến cho vay đẩy số dư margin lên mức cao nhất lịch sử và sẽ còn tăng cao hơn trong tương lai khi dư địa vẫn còn dồi dào", nhóm phân tích nhận định.
Theo nhóm phân tích, thực tế tỷ lệ Cho vay/VCSH toàn ngành dù đã liên tục tăng từ mức đáy hồi quý IV/2022 nhưng vẫn đang thấp hơn nhiều so với quy định là 200%. Điều này cho thấy tiềm năng mở rộng cho vay margin vẫn còn rất lớn.
Đồng quan điểm với PHS, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) trong một báo cáo gần đây cũng kỳ vọng dư địa cho vay margin của các CTCK còn rất lớn sẽ hỗ trợ cho đà tăng thị trường trong thời gian tới.
Theo TPS, tính đến cuối quý I/2024, tổng nợ vay của các CTCK đạt mức kỷ lục 191,3 nghìn tỷ đồng, +60,8% svck và +10% so với quý liền trước. Tuy nhiên, tỷ lệ dư nợ cho vay margin/Vốn chủ sở hữu vẫn rất thấp chỉ đạt 54,5%, thấp hơn so với mức đỉnh đầu 2022 là 120% và thấp hơn mức an toàn được quy định (2 lần).
Với việc hàng loạt CTCK đều đã thông qua kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ trong 2024 như ACBS, HSC, SSI, SHS, VCI…, TPS kỳ vọng hầu bao margin từ các CTCK sẽ được mở rộng trong nửa cuối 2024-2025.