IMF: Kinh tế Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan vào năm 2027

Phương Trang 08:20 | 04/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo dự báo của IMF, trong giai đoạn 2023 - 2027, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ liên tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan về quy mô GDP danh nghĩa vào năm 2027.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 4, tổ chức này đã đưa ra dự báo kinh tế thế giới cũng như Việt Nam và các quốc gia khác thuộc khu vực ASEAN giai đoạn 2022 - 2027.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á

Với tác động nặng nề từ cuộc xung đột tại Ukraine và áp lực lạm phát đang lan rộng khắp thế giới, IMF dự báo năm 2022, GDP Việt Nam có thể tăng 6,05% so với năm 2021. Đặc biệt, đến năm 2023, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 7,25%.

So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đứng thứ hai trong khu vực, chỉ thấp hơn Philippines với mức tăng trưởng được dự báo đạt 6,45%.

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia hay Malaysia được dự báo đạt mức tăng trưởng thấp hơn Việt Nam lần lượt là 3,33%, 3,95%, 5,41% và 5,61%.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2023-2027, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam do IMF dự báo được đánh giá cao hơn hẳn so với các quốc gia khác trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam trong 5 năm tới được dự báo giao động ở mức 6,96%, liên tục dẫn đầu trong khối ASEAN.

IMF dự báo Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan về quy mô GDP danh nghĩa với 690 tỷ USD - Ảnh minh họa.

Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan về quy mô GDP danh nghĩa vào năm 2027

Theo số liệu công bố của IMF, xét về quy mô GDP theo giá hiện hành (quy mô GDP danh nghĩa) năm 2021, Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á với 366 tỷ USD, cao hơn Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào.

Trong khi đó, dẫn đầu về quy mô GDP danh nghĩa năm 2021 trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia với 1.186 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Thái Lan (513 tỷ USD), Singapore (397 tỷ USD), Philippines (394 tỷ USD) và Malaysia (373 tỷ USD).IMF cũng đưa ra dự báo về quy mô GDP danh nghĩa năm 2022, theo đó Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 6 với 409 tỷ USD. 

Đáng chú ý, tới thời điểm năm 2027, IMF dự báo Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan về quy mô GDP danh nghĩa với 690 tỷ USD và cạnh tranh vị trí thứ hai khu vực ASEAN, trong khi Thái Lan ghi nhận quy mô GDP danh nghĩa dự báo đạt 693 tỷ USD.

Ngoài ra, cũng theo số liệu của IMF, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành của Việt Nam trong năm 2021 đạt 3.743 USD/người/năm. Với kết quả này, GDP bình quân của Việt Nam xếp thứ 6/10 quốc gia Đông Nam Á, cao hơn Philippines (3.572 USD), Lào (2.514 USD), Campuchia (1.654 USD) và Myanmar (1.217 USD).

Trong khi đó, Singapore dẫn đầu trong khu vực với GDP bình quân đầu người đạt 71.795 USD, tiếp theo là Brunei và Malaysia với GDP bình quân đạt lần lượt 44.809 USD và 11.399 USD. Các quốc gia khác như Thái Lan và Indonesia cũng ghi nhận GDP bình quân đầu người cao hơn Việt Nam.

Năm 2022, IMF dự báo GDP bình quân của Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á đạt 4.122 USD. Trong khi đó, ở vị trí dẫn đầu sẽ là sự đổi ngôi giữa Singapore và Brunei với mức GDP bình quân đầu người năm 2022 được dự báo lần lượt là 79.576 USD và 79.816 USD.

Dự báo tới năm 2027, Việt Nam sẽ vượt Indonesia, đứng vị trí thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về GDP bình quân đầu người với 6.682 USD, tăng 2.957 USD so với năm 2021.

Trong khi đó, vị trí Top 3 tiếp tục là ba quốc gia gồm Singapore, Brunei và Malaysia. Đáng chú ý là Singapore được dự báo GDP bình quân sẽ đạt 101.255 USD, tăng gần 28.500 USD so với thời điểm hiện tại. 

Hồi tháng 2/2022, tờ Business Times đã đưa ra nhận định về nền kinh tế của Việt Nam trong bài viết "Tiếng gầm của một con hổ châu Á mới - Roar of a new Asian tiger". Theo đó, tờ báo nhận xét từng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, kinh tế Việt Nam được nhận định là đang phát triển vượt bậc.

Ngân hàng Thế giới mô tả đây là một trong những quốc gia mới nổi và năng động nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á.

Bài báo cũng đưa ra 6 lý do cho nhận định này. Cụ thể: Thứ nhất là sự bùng nổ của tầng lớp giàu có; Thứ hai là môi trường kích lệ việc khởi nghiệp; Thứ ba là sự bùng nổ của năng lượng tái tạo; Thứ tư là sự "khát" lao động; Thứ năm là sự phát triển của thị trường bất động sản; Thứ sáu là nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn.

Trong năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Ngoài ra, theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Chính phủ, Việt Nam phấn đấu GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD.

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Cùng với đó, Việt Nam xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.