Judy Faulker: Nữ tỷ phú thống trị lĩnh vực công nghệ chăm sóc sức khỏe tại Mỹ

07:50 | 13/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Epic Systems của nữ tỷ phú Judy Faulkner đã tiên phong và trở thành một đế chế thống trị lĩnh vực kinh doanh hồ sơ y tế của Mỹ. Judy Faulkner cũng là một trong những nữ tỷ phú tự thân có tầm ảnh hưởng nhất của Mỹ.

 

Tỷ phú Judy Faulker - nhà sáng lập phần mềm thống trị trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Mỹ 

Các giám đốc điều hành bệnh viện thường gắn bó với phần mềm Epic Systems của tỷ phú Judy Faulker lâu hơn thời gian hôn nhân của phần lớn người Mỹ. Trung bình, khách hàng của Epic sử dụng phần mềm của hãng trong 10 năm và Faulkner tuyên bố công ty chưa bao giờ để mất khách hàng nội trú trong bệnh viện, ngoại trừ trường hợp mua lại. Một phần vì quá khó để khách hàng từ bỏ hệ thống quản lý hồ sơ y tế này. 
Phần mềm của Epic giúp quản lý toàn bộ hành trình của bệnh nhân, từ việc lên lịch một cuộc hẹn, di chuyển vào phòng khám, phòng phẫu thuật khi bác sĩ ghi lại các trường hợp dị ứng hoặc chụp X-quang, sau đó đến văn phòng hỗ trợ để thanh toán và theo dõi.

Đó là một hệ thống độc quyền nổi tiếng, và không kết nối với các hệ thống khác. Sản phẩm của công ty thường được gọi là hồ sơ sức khỏe điện tử, nhưng phạm vi tiếp cận của hệ thống rộng hơn nhiều, bao gồm quản lý chu kỳ doanh thu, công cụ giữ chân khách hàng và phân tích dữ liệu.

Bộ sản phẩm của Epic đã được chứng minh là đặc biệt phổ biến trong số các trung tâm y tế học thuật lớn và bệnh viện dành cho trẻ em, chẳng hạn như Cleveland Clinic, Johns Hopkins và Boston Children’s Hospital. 564 khách hàng của công ty đại diện cho gần 2.400 bệnh viện trên toàn thế giới và 225 triệu bệnh nhân ở Mỹ , tức khoảng 2/3 dân số cả nước.

Con số này mang về cho Epic doanh thu hơn 3,3 tỷ USD vào năm 2020, mặc dù Faulkner ước tính công ty mất khoảng 500 triệu USD khi cung cấp phần mềm miễn phí liên quan Covid-19, bao gồm các công cụ quản lý lây nhiễm và tiện ích mở rộng cho các bệnh viện dã chiến. “Kiếm tiền từ Covid không phải là điều tôi muốn,” bà nói.

Thành công của bà là kết quả nỗ lực của hàng chục năm. Từ khi thành lập Epic năm 1979 đến nay, nữ tỷ phú 77 tuổi đã kiên định từ chối các nhà đầu tư bên ngoài và các đề nghị mua lại ở Phố Wall. 

Vào năm 2007, Epic chỉ có doanh thu trị giá 500 triệu USD. Mười năm trước, công ty đã đạt doanh thu 1 tỷ USD và kể từ đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm đã vọt lên ở mức 15% mỗi năm. Công ty thu về lợi nhuận cực kỳ cao. Dòng tiền ước tính theo chỉ số Ebidta tăng hơn 30% và công ty không có nợ.

Theo ước tính của Forbes, 47% cổ phần của Faulkner trong Epic trị giá 6 tỷ USD giúp bà trở thành nữ tỷ phủ tự thân giàu thứ hai nước Mỹ. Nhân viên và khoảng một chục người đồng sáng lập khác cùng các nhà đầu tư ban đầu sở hữu 53% còn lại.

Theo ước tính của công ty Công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe KLAS Research, năm 2019, Epic chiếm 39% thị phần trong số hơn 880.000 giường bệnh ở Hoa Kỳ. Phần còn lại của thị trường chia cho các công ty đại chúng Cerne, Meditech có trụ sở tại Massachusetts và một số công ty khác như Allscripts và CPSI.

Sự thống trị của Epic đã khiến công ty trở thành mục tiêu chú ý của ngành. Các nhà phê bình và đối thủ cạnh tranh cáo buộc công ty là một mạng lưới khép kín gây khó khăn cho việc trao đổi dữ liệu với các hệ thống khác. Giải thích việc này, Faulkner cho rằng Epic không chia sẻ dữ liệu vì đặt quyền riêng tư của bệnh nhân lên trên tất cả.

Hoạt động độc quyền là lợi thế lớn nhất của Epic. Đây có thể là thách thức lớn nhất của công ty trong thế giới hậu Covid khi đại dịch đang buộc hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ phải thay đổi nhanh chóng. Các bác sĩ và nhà cung cấp dịch vụ y tế đã nhanh chóng áp dụng công nghệ mới trong năm qua vì bệnh nhân đột ngột có xu hướng ở càng xa bệnh viện càng tốt.

Các nhà đầu tư mạo hiểm đã chỉ trích Epic trước khi đại dịch xảy ra. Họ nói rằng, xét cho cùng, tư duy về hệ thống lớn và các lượt cài đặt trị giá hàng trăm triệu USD của công ty dường như đã lạc hậu trong kỷ nguyên điện toán đám mây và các ứng dụng di động trở nên phổ biến và rẻ hơn. Sau đó, ngay trước khi phong tỏa, chính phủ Mỹ đã hoàn thiện các quy tắc chia sẻ dữ liệu liên bang mới cho phép bệnh nhân có quyền sở hữu đối với hồ sơ y tế của chính họ. Điều này càng là thách thức đối với những dữ liệu y tế do Epic và Cerner thống trị độc quyền.

John Glaser, cựu giám đốc điều hành Cerner, giảng viên tại Trường Y Harvard, nhận xét: “Chúng ta đang ở giữa vòng xoáy biến đổi phi thường". Ông cho rằng không phải hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ biến mất, mà những công ty khởi nghiệp năng động hơn sẽ tham gia vào thị trường. Cũng giống như việc web và điện thoại thông minh phá vỡ thế độc quyền của máy tính bàn lỗi thời từ năm 1990 của Microsoft. Kỷ nguyên mới này có thể đặt ra thách thức tương tự với tỷ phú Faulkner.

Thế nhưng vẫn có một sự khác biệt rất lớn. "Phương châm di chuyển nhanh và phá vỡ quy tắc" của thung lũng Silicon không hiệu quả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Glaser nói: “Bạn không thể nói với bác sĩ rằng thất bại cũng không sao cả. Trong lĩnh vực y tế, bạn không được phép thất bại. Đó là cái chết".

Nỗ lực hàng chục năm 

Faulker đã yêu thích giải quyết những vấn đề hóc búa kể từ còn là một đứa trẻ lớn lên gần Haddonfield, New Jersey, vào những năm 1950. Bà say mê toán học và logic từ năm lớp 7 từ việc giải  những câu đố của cô giáo. Bà học chuyên ngành toán tại Cao đẳng Dickinson ở Carlisle, Pennsylvania, sau đó làm một công việc hè về vật lý tại Đại học Rochester. Tại đây, bà được giới thiệu về lập trình máy tính và Fortran (ngôn ngữ mã hóa cổ đại do IBM phát minh). Faulkner nói: “Tôi luôn thích làm mọi thứ từ nguyên liệu cơ bản. Máy tính là nguyên liệu của trí óc, ở khía cạnh tinh thần, chứ không phải vật chất”.

Năm 1965, bà bắt đầu lấy bằng tiến sĩ trong chương trình khoa học máy tính sơ khai của Đại học Wisconsin. Tại Madison, bà gặp bác sĩ tâm thần và giáo sư Warner Slack, người đang dạy một trong những khóa học đầu tiên về máy tính trong y học. Vài năm sau, Slack giới thiệu Faulkner với John Greist, khi đó là bác sĩ trưởng khoa y và hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Wisconsin, đang loay hoay tìm cách hiệu quả hơn để sắp xếp lịch khám cho bác sĩ.

Năm 1969, Faulkner đã phát triển một hệ thống trong đó một thư ký có thể đục lỗ các thẻ dữ liệu để tạo ra lịch trình cho cả năm trong 18 giây với chi phí là 5 USD. 

Faulkner tốt nghiệp mà không cần hoàn thành luận án. Đầu những năm 1970, bà bắt đầu làm việc cho một nhóm bác sĩ tại Đại học Wisconsin, phát triển cơ sở dữ liệu để theo dõi thông tin bệnh nhân. Tuy nhiên, phải mất vài năm, với sự tác động của đồng nghiệp, Faulker mới sẵn sàng thành lập một công ty phần mềm của riêng mình. Cho đến bây giờ, nữ doanh nhân vẫn cảm thấy "việc lập công ty gần giống như một trò đùa".

Năm 1979, Faulkner và bác sĩ Greist vay mượn từ bạn bè, gia đình và cầm cố nhà để gom góp vốn khởi động công ty Human Services Computing (sau này được đổi tên thành Epic), ban đầu được định giá 70.000 USD (khoảng 270.000 USD ngày nay).

Faulkner có khoảng 7 cộng sự, nhưng ngay từ đầu, công ty dường như là sân khấu dành riêng cho bà bởi bà là chủ tịch đầu tiên của công ty được khai sinh từ chính ý tưởng của mình. Ban đầu, công ty hoạt động ngoài giờ ở tầng hầm Mandison. Faulkner đã viết tất cả những dòng mã đầu tiên của phần mềm trên máy tính mini Data General Eclip 16-bit có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh.  

Sau một vài năm, Greist có bất đồng với Faulkner về hướng đi của Epic và rời khỏi hội đồng quản trị công ty vào năm 1983 nhưng vẫn nắm giữ một số cổ phần. “Tôi hỏi Faulkner tại sao chúng ta không nhận vốn đầu tư mạo hiểm để có thể đi nhanh hơn. Và bà ấy nói, không nên làm vậy vì sẽ mất quyền kiểm soát. Hiển nhiên, đó là chính sách của Faulkner. Và bà đã chứng minh rằng bà ấy đúng, tôi sai”, Greist kể lại. 

Epic đã tăng trưởng chậm nhưng ổn định trong hai thập kỷ đầu tiên, thu hút được một số lượng khách hàng mới mỗi năm khi mở rộng dịch vụ. Vào cuối những năm 1980, công ty đã thêm phần mềm thanh toán; vào đầu những năm 1990, Epic áp dụng giao diện người dùng đồ họa cho các phòng khám ngoại trú. Ngoài sự tập trung ám ảnh của Faulkner vào khách hàng, Epic còn có một lợi thế khác: mã lập trình. Faulkner nói: “Nó không hoàn hảo nhưng khá đáng tin cậy". 

Năm 2004, công ty đã đạt được thỏa thuận lớn nhất của mình: một dự án kéo dài ba năm với Kaiser Permanente trị giá 4 tỷ USD. Trong khi đó, chi phí bỏ ra của Epic khoảng 400 triệu USD. George Halvorson, Giám đốc điều hành của Kaiser Permanente cho biết: “Epic mang lại cảm giác an toàn, nếu bạn chọn họ, họ sẽ thực sự cung cấp dịch vụ theo kỳ vọng và triển khai đúng thời gian”.

Công ty đã thu lợi nhuận khổng lồ từ công việc kinh doanh. Mỗi năm, Epic tuyển dụng khoảng 2.000 nhân viên. Nhân viên được tuyển chọn phải vượt qua bài kiểm tra năng khiếu, đo lường khả năng lập trình và tư duy logic. Phương châm của công ty là: "Hãy làm điều tốt. Cảm thấy vui với việc mình làm. Và kiếm ra tiền". Epic cũng nổi tiếng với văn hóa có nhịp độ siêu nhanh và cạnh tranh. 

Tuy nhiên, với tốc độ và tính cạnh tranh cao, Epic cũng nảy sinh nhiều vấn đề nội bộ. Các nhân viên cũ bày tỏ tình trạng kiệt sức khi làm trong một môi trường của những người nghiện việc. Khi áp lực vượt quá giới hạn, nhân viên đã biểu tình khi phải quay trở lại văn phòng làm việc giữa đại dịch vào năm 2021. Sau khi bị báo chí "sờ gáy", công ty đã thay đổi kế hoạch.