Jujiro Matsuda: Từ ông trùm buôn bán vũ khí đến cha đẻ của thương hiệu Mazda
Một người thợ rèn giỏi
Jujiro Matsuda sinh ngày 8/8/1875 trong 1 gia đình ngư dân nghèo tại Hiroshima, Nhật Bản. Ngày còn nhỏ chính vì nhà nghèo nên việc học hành của ông cũng không được đến nơi đến chốn.
Năm 14 tuổi Jujiro Matsuda đã đến làm việc trong 1 xưởng rèn ở Osaka và chính nơi này ông đã phát minh ra sản phẩm đầu tiên trong cuộc đời mình có tên là “Máy bơm Matsuda” khi mới chỉ khoảng hơn 30 tuổi.
Sau khi đã trở thành người thợ giỏi tại xưởng rèn nơi mình làm việc, Jujiro Matsuda đã chứng tỏ bản thân trong vai trò là quản lý và đổi tên xưởng rèn thành “Hợp tác xã máy bơm Matsuda”.
Tuy nhiên, không lâu sau đó ông đã rời hợp tác xã này và bắt đầu công việc tại 1 xưởng chế tác vũ khí có tên gọi “Công xưởng Matsuda”. Dần dần, xưởng của Jujiro Matsuda trở thành nhà cung cấp vũ khí cho quân Sa Hoàng Nga cũng như sản xuất súng trường Type 99 cho quân đội Nhật Bản.
Sau khi thế chiến thứ I kết thúc, Jujiro Matsuda trở lên giàu có với khối tài sản kếch xù nhờ vào việc buôn bán vũ khí. Năm 1921 ông trở về quê hương Hiroshima để thành lập công ty chuyên sản xuất nút bần với tên gốc là Toyo Cork Kogyo Co., Ltd. nhưng không lâu thì phải phá sản vì thua lỗ và bị siết nợ.
Nhưng với kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm có được, năm 1931, ông thành lập một công ty sản xuất xe ba bánh có động cơ được đặt tên là Mazdago, tiền thân của Mazda Motor bây giờ. Sau đó Jujiro Matsuda đổi tên công ty này thành “Toyo Kogyo Co., Ltd”.
Trụ sở chính của Toyo Kogyo tại Hiroshima sau đó đã bị thiệt hại nặng nề do vụ nổ bom nguyên tử vào năm 1945, Jujiro Matsuda buộc phải di dời văn phòng đến Fuchu và bắt đầu công cuộc tái thiết công ty sau chiến tranh thế giới lần thứ II.
Năm 1950, Toyo Kogyo bắt đầu công cuộc tái lập bằng việc tài trợ cho đội bóng chày Hiroshima Carp. Mọi việc vừa bắt đầu được khoảng hai năm thì Jujiro Matsuda qua đời vào năm 1952, khi ông vừa được 77 tuổi.
Con nuôi của Jujiro Matsuda - Tsuneji Matsuda kế nhiệm ông làm chủ tịch của Toyo Kogyo và quản lý việc mở rộng các bộ phận ô tô của mình cho đến năm 1979, khi Công ty Ford Motor chiếm 25% cổ phần trong Toyo Kogyo. Nhưng 5 năm sau, Toyo Kogyo đổi tên thành Mazda Motor.
Dù đã được Ford mua lại từ năm 1984 nhưng hơn 30 năm qua, tinh thần của người khai sáng Mazda – ông Jujiro Matsuda luôn được thổi vào từng sản phẩm với bản lĩnh mạnh mẽ và sẵn sàng đương đầu mọi thử thách. Riêng với Jujiro Matsuda, người dân Hiroshima đã dựng một tượng đồng tại công viên Minami-ku để tưởng nhớ đến những công lao và đòng góp của ông cho ngành công nghiệp ô tô của tỉnh Hiroshima.
Thời hoàng kim của Mazda
Sau khi rời vào tay của Ford và được đổi tên thành Mazda Motor, năm 1989 Mazda trình làng Miata MX-5, không quá lời khi nói đây là mẫu xe thành công nhất trong lịch sử Mazda từ trước đến nay.
Miata MX-5 bỗng trở thành một hiện tượng tại nhiều quốc gia nhờ sở hữu vẻ ngoài nhỏ gọn nhưng đậm chất thể thao. Điều đặc biệt là giá thành không quá đắt đỏ chính là chìa khóa giúp Mazda thành công rực rỡ.
Giai đoạn 2000-2009 là thời điểm này, Miata MX-5 không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ mà còn ghi tên mình vào Kỷ lục Guinness với danh hiệu “Mẫu xe thể thao 2 cửa bán chạy nhất thế giới”.
Sau 20 năm có mặt trên thị trường, Miata MX-5 đã mang về cho Mazda 180 giải thưởng lớn cùng với doanh số 900.000 chiếc vào năm 2009. Đó là lý do vì sao, Miata MX-5 được bình chọn là chiếc xe vĩ đại nhất trong lịch sử Mazda.
Năm 2015, huyền thoại Miata MX-5 chính thức cán mốc 1 triệu chiếc được sản xuất. Đây là nhân tố quan trọng góp phần giúp Mazda trở thành hạng xe giá trị xếp thứ 15 trên thế giới.
Hiện tại, trung bình mỗi năm Mazda cung cấp ra thị trường 1,5 triệu chiếc ô tô. Trong đó, nơi tiêu thụ nhiều nhất chính là thị trường Nhật Bản. Kế đến là các thị trường khác như Mỹ, Nga, Australia, châu Âu, Australia và cuối cùng là Đông Nam Á.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mazda đang xếp vị trí thứ 4 trong Top các thương hiệu ô tô mạnh nhất Nhật Bản (xếp sau Toyota, Nissan và Honda.).
Trong đó những mẫu xe đang tạo cho Mazda đà thăng tiến vượt bậc tại Việt Nam phải kể đến như Mazda3 với doanh số bán cộng dồn năm 2019 đạt 13.761 chiếc. Mazda3 hiện đang thống trị phân khúc sedan hạng C trong những năm qua.
Kế đến là Mazda CX-5 với doanh số bán cộng dồn năm 2019 đạt 10.231 xe hiện cũng đang là một trong những mẫu Crossover “ăn khách” nhất hiện nay.