Kế hoạch mới của Chủ tịch FED: Từ bỏ 'hạ cánh mềm' để tìm tới 'suy thoái tăng trưởng'

Yên Khê (VietnamBiz) 10:51 | 03/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bloomberg khuyên các nhà đầu tư nên quên "hạ cánh mềm" đi, vì FED đang hướng tới một kịch bản đau đớn hơn cho nền kinh tế nhằm dập tắt lạm phát. Kịch bản đó được gọi là "suy thoái tăng trưởng".

Suy thoái tăng trưởng

Công chúng nên quên “hạ cánh mềm” đi, bởi để khống chế lạm phát, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hiện đang hướng đến một kịch bản đau đớn hơn cho nền kinh tế. Vấn đề là, ngay cả điều này có thể cũng chưa đủ để ổn định giá cả.

Thứ mà ông Powell đang nhắm tới được các nhà kinh tế gọi là “suy thoái tăng trưởng” (growth recession).

Khác với hạ cánh mềm, suy thoái tăng trưởng là một giai đoạn kéo dài của tăng trưởng khiêm tốn và tỷ lệ thất nghiệp leo thang. Nền kinh tế yếu đi nhưng không đến mức độ nghiêm trọng như bị suy thoái thực sự (recession).

Theo bà Diane Swonk - kinh tế trưởng tại KPMG, Chủ tịch FED đã “chôn vùi khái niệm hạ cánh mềm” với bài phát biểu của ông tại hội nghị Jackson Hole hồi tuần trước.

Bây giờ, “mục tiêu của FED là kiềm chế lạm phát bằng cách khiến nền kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng cuả nó”, vị chuyên gia nói thêm trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg.

“Kế hoạch của FED hiện giống như một màn tra tấn bằng nước. Vẫn là một màn tra tấn [đối với nền kinh tế Mỹ], nhưng ít đau đớn hơn một cuộc suy thoái đột ngột”, bà Swonk nhấn mạnh.

 Sự thay đổi trong thông điệp của ông Powell đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Phố Wall. Giá cổ phiếu trượt dài kể từ khi ông tuyên bố sẽ làm mọi thứ cần thiết để khống chế lạm phát tại Mỹ.

Giới chính trị gia ở Washington cũng để tâm. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren lo ngại rằng FED có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái, và lãnh đạo Đảng Cộng hoà tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết tăng trưởng có thể giảm tốc.

Trong cuộc hạ cánh mềm kiểu mẫu năm 1994 - 1995, FED đã làm chậm nền kinh tế trong một thời gian ngắn và kiềm chế lạm phát thông qua việc tăng gấp đôi lãi suất. Song, tỷ lệ thất nghiệp chưa bao giờ thực sự đi lên.

Trong một nghiên cứu năm 1972, nhà kinh tế học quá cố Solomon Fabricant của Đại học New York đã đặt ra thuật ngữ “suy thoái tăng trưởng”. Mặc dù có thể không đáng ngại bằng một cuộc suy thoái thực sự, kịch bản này vẫn gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Một con hổ đang bị khống chế “không giống một con hổ đang được thả rông trên đường phố, nhưng nó hẳn không phải là một con hổ giấy”, ông Fabricant nhấn mạnh trong nghiên cứu.

Chủ tịch Powell dường như đã quả quyết rằng FED sẽ cần một “con hổ” - và không chỉ là một cuộc hạ cánh mềm, để tấn công lạm phát. Trong bài phát biểu tại Jackson Hole, ông nói thị trường lao động “rõ ràng là đang mất cân bằng”.

Nhu cầu về người lao động đã vượt quá nguồn cung. Điều đó khiến tiền lương tăng quá nhanh, không phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% của FED.

 PCEPI là thước đo lạm phát ưa thích của FED. 

Ông Powell cho hay: “Để hạ nhiệt lạm phát, nền kinh tế Mỹ có thể cần phải tăng trưởng dưới tiềm năng trong một thời gian. Hơn nữa, một số động lực của thị trường lao động cũng có thể cần phải dịu đi”. Trong mắt nhiều người, nhận xét của ông Powell là cách nói hoa mỹ cho việc tỷ lệ thất nghiệp phải tăng cao hơn.

Chủ tịch FED đã để ngõ khả năng ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9. Trước các đồng nghiệp ở Jackson Hole, ông nói sự sụt giảm của lạm phát gần đây “còn quá xa” mức mà các nhà hoạch định chính sách muốn thấy.

Con đường gian nan

Tuy nhiên, việc làm chậm tăng trưởng đủ để kéo tỷ lệ thất nghiệp đi lên mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái sẽ cần chút may mắn. Một nền kinh yếu kém và hầu như không thể tăng trưởng có thể sẽ dễ dàng bị đánh bật bởi một cú sốc bất ngờ, chẳng hạn như một đợt tăng mới của giá dầu.

Kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định: “Chúng ta đang đứng bên bờ vực, nền kinh tế rất mong manh. Bất cứ điều gì đi chệch hướng cũng có thể khiến nền kinh tế suy thoái”.

Hơn nữa, một khi tình trạng thất nghiệp bắt đầu gia tăng, điều đó sẽ tác động trực tiếp đến phần còn lại của nền kinh tế, khiến các hộ gia đình phải giảm chi tiêu và làm cho GDP bị thu hẹp hơn nữa.

Quy tắc Sahm do cựu quan chức FED Claudia Sahm phát triển cho biết, suy thoái sẽ xuất hiện khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình động ba tháng tăng từ 0,5 điểm % trở lên so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước đó.

 

 

Một dấu hiệu khác cho thấy Mỹ khó có thể tránh được suy thoái là thị trường nhà đất đang suy yếu sau các đợt tăng lãi suất của FED. Theo kinh tế trưởng Doug Duncan tại Fannie Mae, kể từ sau Thế chiến II thì chỉ có ba lần sự suy yếu của thị trường nhà ở không dẫn đến suy thoái - vào các năm 1965 - 1966, 1984 - 1985, và 1994 - 1995.

Trong các trường hợp trên, FED đã bắt đầu tăng lãi suất từ trước khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát. Còn ở giai đoạn hiện tại, FED đã đánh giá sai và siết chặt chính sách khi áp lực lạm phát đã phình to. Ông Duncan dự đoán Mỹ sẽ suy thoái nhẹ vào quý đầu tiên của năm 2023.

Ông Michael Gapen - kinh tế trưởng khu vực Mỹ của Bank of America, đánh giá: “Lịch sử cho chúng ta thấy rằng nền kinh tế rất có thể sẽ suy thoái, bởi để thoát khỏi những tình huống này đòi hỏi nhiều yếu tố hơn chứ không chỉ là làm tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm vài phần mười”.