Kết luận điều tra vụ địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 2.300 tỷ đồng

15:53 | 19/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nguyễn Thái Luyện và hầu hết các bị can trong vụ án địa ốc Alibaba bị đề nghị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra còn 2 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội "rửa tiền".
Ngày 19/12, cơ quan CSĐT Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm.
 
Nguyễn Thái Luyện và hầu hết các bị can trong vụ án bị đề nghị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, bị can Võ Thị Thanh Mai (là vợ) và Nguyễn Thái Lực (là em của Luyện) còn bị đề nghị truy tố thêm tội “rửa tiền”. Riêng kế toán trưởng của Công ty Alibaba, là Huỳnh Thị Kim Thắng chỉ bị đề nghị truy tố tội “rửa tiền”.

Theo Vietnamnet, công an xác định, Công ty CP địa ốc Alibaba với danh nghĩa kinh doanh bất động sản nhưng bản chất thực sự là lừa đảo, huy động vốn theo hình thức đa cấp và sử dụng các dự án ma làm mồi nhử khiến khách hàng sập bẫy. Tập đoàn lừa đảo này đã khiến 3.924 khách hàng sập bẫy, chiếm đoạt được số tiền 2.373 tỷ đồng.
 
Kết luận điều tra vụ địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 2300 tỷ đồng
3 anh em ruột Nguyễn Thái Luyện
 
Thủ đoạn của Luyện và đồng bọn là lập ra 22 công ty khác nhau, mua 58 khu đất nông nghiệp ở các tỉnh thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rồi san lắp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra các dự án ma, rồi quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.

Theo Báo Thanh niên, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm cam kết với khách hàng về lợi nhuận từ 30-38% chỉ sau 12 đến 15 tháng kể từ ngày nộp tiền. Thực tế khách hàng không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư như cam kết ban đầu. Khi đến hạn, Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua đất trở lại.

Theo cơ quan điều tra, Luyện giao cho người nhà, nhân viên thân tín thu mua các khu đất nông nghiệp có diện tích lớn rồi tự vẽ dự án ma. Tất cả những khu đất được quảng cáo dự án đều chưa được cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép xây dựng và chưa có chủ trương cấp phép làm dự án.
 
Kết luận điều tra vụ địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 2300 tỷ đồng
Công an phong toả tài sản của Công ty Alibaba và các cá nhân tổng cộng 1.500 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án, khắc phục hậu quả
 
Luyện và đồng bọn đã lập 22 công ty cho những nhân viên thân tín đứng tên, đặt trụ sở ở khắp nơi. Các công ty này là pháp danh để ký hợp đồng, nhận tiền của khách hàng. Dòng tiền có được từ các dự án ma được chuyển về công ty chính, là Công ty CP địa ốc Alibaba.
 
Nguyễn Thái Luyện giao cho vợ, là Mai và em ruột, tức Lực phối hợp cùng kế toán là Kim Thắng sử dụng một phần để vận hành hệ thống trả lương nhân viên, mặt bằng, mua các khu đất vẽ dự án ma và phần lớn để chuyển lòng vòng, che giấu nguồn gốc thực sự.
 
Tháng 9/2019, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phối hợp cùng Bộ Công an triệt phá tập đoàn lừa đảo Alibaba. Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã thu hồi, kê biên nhiều tài sản có giá trị ước tính gần 1.500 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án, khắc phục hậu qủa sau này.
 
Theo Báo Tiền phòng, công an đã thu giữ số tiền mặt hơn 9,2 tỷ đồng, tạm giữ tiền trong tài khoản của các cá nhân là nhân viên và pháp nhân của các công ty con của Alibaba với số tiền 45 tỷ đồng. Đồng thời kê biên tổng cộng 650 thửa đất với tổng diện tích 447 héc-ta. Các tài sản này theo công an là để định giá nhằm đảm bảo thi hành án, bồi thường thiệt hại cho người dân.
 
 
Hà Ly