(DNVN) - Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam – Nhật Bản, sáng 14/8, “Triển lãm Quốc tế lần thứ 11 về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam – Vietnam Manufacturing Expo – VME2019” đã được khai mạc. Đặc biệt, triển lãm diễn ra đồng thời và cùng địa điểm với “ Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 8”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch nền kinh tế lên nấc thang giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo kinh tế đất nước phát triển bền vững dài hạn. Trong những năm vừa qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, nền công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có được những kết quả đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn không ít những hạn chế như năng lực sản xuất, tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật còn yếu, khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn nhiều bất cập, nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn.
Trong bối cảnh đó, hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế nói chung và trong công nghiệp hỗ trợ nói riêng thông qua việc triển khai tích cực các nội dung trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA) và Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã và đang trở thành cầu nối quan trọng, mở ra những cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp hai nước.
Ông Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, với nỗ lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và sự trợ giúp mạnh mẽ từ phía Nhật Bản, Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản và Triển lãm Quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam do Cục XTTM – Bộ Công Thương phối hợp với JETRO và Reed Tradex tổ chức tại Hà Nội những năm vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản và quốc tế. Chuỗi sự kiện Triển lãm trên đã từng bước khẳng định được quy mô lớn và toàn diện nhất trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Bày tỏ niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam, ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty Reed Trade Việt Nam nhấn mạnh: Hiện Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng về lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong khu vực Đông Nam Á. Với xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư cho các ngành sản xuất, lợi thế về nguồn nhân lực, địa chính trị, chính sách hỗ trợ ổn định của Chính phủ, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang xây dựng nhà máy ở các khu công nghiệp Việt Nam, giúp mở rộng nguồn lực và gia tăng năng lực sản xuất để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở trong và ngoài nước.
Do đó, hai triển lãm lần này sẽ nhân đôi cơ hội kinh doanh và thúc đẩy chỉ số nội địa hóa cho ngành công nghiệp chế tạo máy móc và phụ tùng công nghiệp cũng như ngành công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, sự kiện lần này còn mang tới cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia thông qua các chương trình kết nối và hỗ trợ. Triển lãm cũng sẽ đóng vai trò như một trung tâm kết nối cho ngành công nghiệp, dự kiến thu hút hơn 10.000 chuyên gia, kỹ sư, nhà quản lý và khách tham quan cùng nhau tập hợp để khám phá các giải pháp và đối tác mới thông qua các hoạt động đặc sắc tại các gian hàng.
Chia sẻ về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hronobu KITAGAWA, Trưởng Đại diện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) - Văn phòng Hà Nội: Trong những năm qua, sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đã gia tăng một cách mạnh mẽ. Theo điều tra cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 630 dự án. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
Còn theo khảo sát hằng năm của JETRO đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, có gần 70% doanh nghiệp trong đối tượng khảo sát trả lời rằng “mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam”. Con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc hàng top đầu. Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Việt Nam vẫn là nơi sản xuất hiệu quả và là thị trường đầy hấp dẫn. Hơn nữa, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh đó, cũng theo khảo sát của chúng tôi, tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng, vật tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng tăng lên đáng kể từ năm 2010 đến nay, và tỷ lệ này đã vượt qua Malaysia vào năm 2018.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn so với một số nước láng giếng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Do vậy, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện chính từ nước ngoài. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần tạo cơ hội để cho các bên được kết nối kinh doanh với nhau, đặc biệt là tạo cơ hội cho các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng tiềm năng của Việt Nam được gặp gỡ, trao đổi với các nhà chế tạo, lắp ráp của Nhật Bản.