Khai thác hiệu quả thị trường đồ gỗ nội thất Hoa Kỳ trong bối cảnh mới

Xuân Anh 19:00 | 16/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình trạng ách tắc trong chuỗi logistics, song thị trường Hoa Kỳ vẫn còn nhiều dư địa dành cho sản phẩm đồ gỗ.

Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo trực tuyến đẩy mạnh xúc tiến thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ lĩnh vực đồ gỗ, do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức sáng 16/12.

 Khách quốc tế tham quan hội chợ VIFA-EXPO 2019. Ảnh tư liệu: TTXVN  
Còn nhiều dư địa
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin: Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới và đang phục hồi rất nhanh sau thời gian chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 năm 2020. Cụ thể, kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng liên tục kể từ quý IV/2020 đến nay. Riêng 9 tháng năm 2021, trị giá hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ đã đạt 2.000 tỷ USD.
Đối với ngành đồ gỗ nội thất, trong 10 tháng năm 2021, Hoa Kỳ đã nhập khẩu từ Việt Nam trị giá 7,2 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam đang là đối tác cung ứng lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Hoa Kỳ.
Theo ông Bùi Huy Sơn, các điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đồ gỗ Việt Nam vào Hoa Kỳ hiện nay là nhu cầu tiêu dùng của người dân tại đây đang tăng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, chuẩn bị các dịp lễ lớn. Xu hướng làm việc tại nhà vẫn đang phổ biến và có thể kéo dài thêm nên chi tiêu cho đồ gỗ, nội thất gia đình dự kiến tiếp tục tăng.
Về chính sách, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về hợp tác kiểm soát nguồn gốc gỗ trong khi Hoa Kỳ đang đẩy mạnh chi đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn là khu vực sử dụng nhiều sản phẩm đồ gỗ nội thất. Bên cạnh đó, sản phẩm đồ gỗ từ Trung Quốc đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam tiếp tục bị đánh thuế nhập khẩu sẽ đẩy một số đơn hàng chuyển hướng sang thị trường Việt Nam.
Cùng quan điểm, ông Tom Russell, chuyên gia trong ngành nội thất, Tổng biên tập Home News Now cho rằng, thị trường Hoa Kỳ còn rất nhiều dư địa cho sản phẩm từ gỗ và nội thất khi lĩnh vực xây dựng, nhà ở tại đây đang tăng trưởng tốt. Doanh thu của các hệ thống cửa hàng bán sản phẩm gỗ, nội thất trong tháng 11/2021 đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu mua sắm của người dân đã phục hồi và sẽ gia tăng khi Chính phủ thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng.
“Các nhà nhập khẩu và bán lẻ Hoa Kỳ đang tìm kiếm đối tác có năng lực và đáng tin cậy, trong khi đó, Việt Nam có lợi thế tốt về lao động có tay nghề, nguồn nguyên liệu đảm bảo nhu cầu sản xuất ổn định, bền vững được nhiều thị trường công nhận, đánh giá cao”, ông Tom Russell thông tin thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành gỗ nội thất Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức như nguy cơ phòng vệ thương mại hay tình trạng tắc nghẽn logistics trên quy mô lớn. Các chuyên gia cảnh báo, Hoa Kỳ là thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt đối với minh bạch thông tin và cạnh tranh thương mại công bằng.
Mặc dù Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về kiểm soát nguồn gốc gỗ, song một số sản phẩm của Việt Nam như gỗ ván từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ hay gỗ thanh và viền dải gỗ vẫn có nguy cơ điều tra khi có dấu hiệu bất thường.
Thích ứng với xu hướng mới
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Chủ tịch HAWA, Phó Giám đốc Công ty Scansia Pacific cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đang cấp tốc khôi phục hoạt động sản xuất để tận dụng mùa mua sắm của các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ. Năm 2021, mặc dù việc xuất khẩu bị trì trệ trong thời gian giãn cách xã hội nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của ngành đồ gỗ, nội thất Việt Nam, chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhằm thích ứng với những yêu cầu và xu hướng tiêu dùng của thị trường này, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển bền vững từ nguyên liệu đến hệ thống quản trị, lao động và môi trường. Đồng thời, đầu tư cho khâu kỹ thuật, chuyển đổi số, tự động hóa để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; phát triển sản phẩm mới và điều chỉnh cách đóng gói để phù hợp với xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.
Song song đó, HAWA đã nâng cấp nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE để thay thế cho các triển lãm trực tiếp, giúp hội viên dễ dàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người mua hàng khắp thế giới.
Chia sẻ kinh nghiệm khai thác thị trường Hoa Kỳ, theo bà Lê Thúy Luy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần gỗ Trường Thành, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn, sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam cũng được người tiêu dùng ưa chuộng và đáng giá cao. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có có yêu cầu cao, tỉ mỉ từng chi tiết đến bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, yêu cầu về tính năng sản phẩm nội thất đã thay đổi rất nhiều so với trước. Trong khi đó, hạn chế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là chậm nắm bắt các xu hướng thịnh hành, chủ yếu gia công hàng loạt là chính.
“Muốn khai thác hiệu quả thị trường này trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải tích cực cập nhật thông tin nhu cầu cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới có hàm lượng kỹ thuật, sáng tạo cao hơn; tối ưu đươc tính năng sử dụng và đa dạng hóa sản phẩm từ nội thất, ngoại thất đến ván sàn, hàng trang trí…”, bà Lê Thúy Luy nhấn mạnh thêm.
Ông Bùi Huy Sơn cũng khuyến nghị, thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ liên tục thay đổi, do đó các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng, nhu cầu tiêu dùng mới, chú trọng tính hợp pháp và sự an toàn, thân thiện với môi trường; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử từ khâu xúc tiến, quảng bá đến tiêu thụ sản phẩm để khắc phục những bất cập trong bối cảnh dịch COVID-19.
Về lâu dài, ngành gỗ và nội thất phải phát triển các mô hình liên kết sản xuất với các nhà cung cấp nguyên liệu và đơn vị phân phối, tiêu thụ theo chuỗi. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng nên thường xuyên đánh giá các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh, chuyển tải hàng hóa để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.