Khám chữa bệnh online có thực sự hiệu quả và tiện lợi cho người dân?

16:00 | 25/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khám chữa bệnh online đã được ứng dụng tích cực ở thế giới và cả Việt Nam trong thời gian qua. Tận dụng thành tựu kỹ thuật công nghệ đã đem lại không ít lợi ích.
Bộ Y tế vừa  chia sẻ thông tin về lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh từ xa (khám chữa bệnh online) trên toàn quốc. 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh được kết nối lên 20 bệnh viện trung ương hoặc tuyến cuối của Hà Nội, TP.HCM. Các ca bệnh phức tạp hoặc nghiêm trọng ở tuyến dưới được các y bác sĩ ở tuyến trên hội chẩn online, đem lại kết quả đáng tin cậy và chất lượng hơn, kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân. 

Trong buổi gặp mặt, đại diện Bộ Y tế PGS - TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết Telehealth đã cứu sống nhiều ca bệnh một cách ngoạn mục. Nổi tiếng nhất gần đây là ca cứu sống phi công người Anh (bệnh nhân 91) mắc Covid-19 nặng dù rất nhiều lúc tưởng như bệnh nhân đã thập tử nhất sinh. Hay như trường hợp sản phụ 35 tuần dự báo sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Huế. Bác sĩ ở bệnh viện Trung ương Huế đã kết nối hội chẩn kịp thời với bác sĩ BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba ngoài Hà Nội và nhờ thế 2 mẹ con được cứu sống.

Khám chữa bệnh online có thực sự hiệu quả và tiện lợi cho người dân? - ảnh 1
Bác sĩ đầu ngành 3 miền cùng hội chẩn online cho BN Covid-19 số 91 hồi tháng 5 (Ảnh: VTC)
 
Ứng dụng Telehealth phát triển mạnh trong dịch bệnh Covid-19 vì việc đi lại khó khăn. Ví dụ như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ hai buổi Telehealth mỗi tuần vào thứ Ba và thứ Năm. Cứ mỗi buổi như vậy có khoảng 8 đến 10 bệnh nhân nặng được hội chẩn trực tuyến. Sau 5 tháng triển khai, BV này đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, hội chẩn được 293 ca bệnh từ bệnh viện hoặc cơ sở y tế khác trên toàn quốc và được 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối.

Cũng trong ngày 24/9, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã khai trương Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth Center). Với trung tâm mới như thế này, bệnh viện có thể kết nối với 68 điểm cầu tuyến dưới (bệnh viện tỉnh, huyện) từ 25 tỉnh/thành phố từ Bình Định đến mũi Cà Mau.
 
Telehealth không chỉ giúp hỗ trợ các ca bệnh khó mà còn góp phần giảm số trường hợp chuyển viện không cần thiết, chuyển viện không an toàn, giảm quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối. Song song với đó các hoạt động Telehealth còn có nhiệm vụ đào tạo kỹ năng, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới. Tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên vẫn luôn là vấn đề khó khăn trường tồn của ngành y tế. Nếu có thể ứng dụng khám bệnh trực tuyến từ xa hiệu quả thì sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho các bệnh viện và quan trọng nhất là bệnh nhân. 
 
Khám chữa bệnh online có thực sự hiệu quả và tiện lợi cho người dân? - ảnh 2
Nhiều bệnh viện lớn hiện nay đều đã mở trung tâm khám chữa bệnh từ xa theo chủ trương của Chính phủ
 
Lợi ích của Telehealth là điều rõ ràng không cần bàn cãi. Nhưng cách chữa bệnh này vẫn còn những vấn đề đòi hỏi cơ quan chức năng tìm phương pháp giải quyết. Trước hết là vướng mắc trong chi trả BHYT. Trong buổi gặp mặt của Bộ Y tế, PGS - TS Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ việc chi trả tiền bảo hiểm, tiền khám chữa bệnh cho bác sĩ khám tuyến trên, tuyến dưới như thế nào vẫn rất mơ hồ.
 
Luật Khám chữa bệnh chưa có những quy định điều chỉnh liên quan nên nhiều khi ngay cả việc ký đơn thuốc cho bệnh nhân từ xa cũng đang gặp vướng mắc. Khi bác sĩ từ cơ sở này khám cho bệnh nhân ở cơ sở khác, ai sẽ là người ký đơn thuốc và chịu trách nhiệm? Đề án Khám chữa bệnh từ xa tuy đã được ban hành tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 nhưng không gỡ được các vấn đề thực tế các bệnh viện đang gặp phải.

Ông Hiếu cũng chia sẻ thêm Telehealth thực chất cũng chưa có nguồn thu nào để có thể duy trì như một cách chữa bệnh thường trực. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã áp dụng Telehealth 4 tháng nhưng chưa có nguồn thu nào, bảo hiểm y tế có muốn chi trả cũng chưa có hướng để chi.
 
Kim Chi