Khán giả `nuôi` nghệ sĩ, hiểu sao cho đúng ?
Trên khắp các trang mạng, các diễn đàn gần đây, là cuộc tranh luận về việc công chúng có “nuôi” nghệ sĩ hay không?
Một số nghệ sĩ được coi là những người nổi tiếng đã có những lời khiếm nhã, thậm chí là chửi rủa trên mạng xã hội chỉ để khẳng định rằng không ai "nuôi" họ cả.
Từ “nuôi” hiểu một cách cơ học theo động từ là cho ăn, chăm sóc để duy trì phát triển sự sống, nếu đi theo nghĩa này thì chẳng có công chúng nào nuôi nghệ sĩ cả. Nhưng, khán giả đương nhiên không dùng chữ nuôi theo nghĩa này.
Nếu đặt câu hỏi cho các chủ doanh nghiệp, hay những nhân viên bán hàng, ai là người nuôi doanh nghiệp của anh (chị)? Thì đa phần câu trả lời là khách hàng.
Chẳng thế mà các doanh nghiệp hết sức chú trọng vào khâu chăm sóc khách hàng, coi việc chăm sóc khách hàng là việc tối quan trọng bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm.
Vậy khách hàng có nuôi doanh nghiệp không? Câu trả lời là có.
Chi phí khách hàng bỏ ra để sử dụng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp chính là nuôi doanh nghiệp. Nếu không khách hàng quay lưng với doanh nghiệp thì họ lấy gì để tồn tại, để phát triển.
Tương tự, đối với nghệ sĩ, sản phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ sáng tạo ra, đều hướng tới công chúng, phục vụ cộng đồng, khán giả.
Nghệ sĩ cũng đổ mồ hôi, công sức của mình để tạo ra những tác phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Vậy khán giả trả tiền mua vé để xem những nghệ sĩ mà mình yêu mến biểu diễn, từ đó nghệ sĩ mới có thể tiếp tục sáng tạo và cho ra những tác phẩm nghệ thuật của mình. Đó là quan hệ trao đổi hai chiều giữa nghệ sĩ và khán giả.
Có lẽ chữ “nuôi” mà khán giả đang nhắc tới, là niềm tin mà khán giả gửi gắm vào nghệ sĩ, không phải là quan hệ kinh tế bán – mua thông thường.
Nghệ sĩ - từ phương diện xã hội - là những người truyền lửa, người dãi bày tâm tư, hay một vấn đề xã hội nào đó đang tồn tại thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Khi thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đó, khán giả như thấy được một phần của mình trong đó, một xã hội thu nhỏ lại trong đó. Đấy chính là thành công của người nghệ sĩ.
Bất kể một nghệ sĩ nào hẳn sẽ thấy rất hạnh phúc khi được khán giả yêu mến, được sự tin yêu của khán giả. Thứ tình cảm ấy có lẽ có đánh đổi rất nhiều tiền cũng không có được.
Thế nên, có nghệ sĩ đăng đàn chửi bới - trong đó có cả nhiều những tên tuổi nổi tiếng - cho rằng Khán giả không nuôi họ. Không lẽ những nghệ sĩ này lại chỉ hiểu chữ nuôi ở đây một cách thiển cận và ích kỷ - là nuôi ăn, nuôi ở ?
Trong xã hội nào, thì người nghệ sĩ luôn cần khán giả, hay nói cách khác sự thành công của người nghệ sĩ được tạo ra từ sự tin yêu của khán giả dành cho mình, cho sản phẩm nghệ thuật của mình. Nghệ sĩ phải có danh, rồi mới có “lợi”. Danh ở đây là hình ảnh người nghệ sĩ trong lòng khán giả, lợi là việc người nghệ sĩ dựa trên cái danh đó, mà bán những sản phẩm nghệ thuật của mình. Và công chúng là người mua sản phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ.
Như vậy sự việc một vài nghệ sĩ đăng đàn chửi bới chính những khán giả của mình, xét từ giác độ kinh tế (mua -bán), có lẽ đã là một việc làm trái với những nguyên tắc của kinh doanh cổ điển nhất.
Hơn thế nữa, đó là phụ lòng tin yêu của khán giả dành cho nghệ sĩ bấy lâu nay.
Đương nhiên một vài cá nhân không thể đại diện cho tất cả. Nếu chúng ta đánh đồng thì sẽ là xúc phạm những nghệ sĩ chân chính đã trọn tâm huyết với nghề, cống hiến cho nghệ thuật.
Chắc hẳn những nghệ sĩ đủ tâm, tài và đức, sẽ không ai hiểu chữ “nuôi” theo hướng cơ học, phiến diện, và họ những nghệ sĩ chân chính luôn ở mãi trong lòng khán giả.
Phúc Sơn