Khó khăn khiến ngành điều giảm mục tiêu xuất khẩu
Khó khăn chồng chất
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 1,5 tỷ USD với hơn 249.000 tấn, giảm 9,1% về lượng, giảm 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Lý giải điều này, Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) chia sẻ, nhiều yếu tố tác động đến kim ngạch xuất khẩu điều; trong đó, mạnh mẽ nhất là dịch bệnh COVID-19, sau đó là giá cước vận chuyển tăng hơn 10 lần so với giai đoạn đầu năm 2020. Hai yếu tố này khiến cho nhiều đơn hàng đã ký kết trong năm 2021 nhưng vẫn không giao được, phải tồn đọng sang năm 2022. Mặc dù doanh nghiệp vẫn chạy đơn hàng trong năm 2022 nhưng lại là những đơn cũ của năm 2021.
Ông Trần Văn Hiệp - Phó chủ tịch VINACAS thông tin, giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 5.792 USD/tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2021. Thế nhưng, giá nhập khẩu điều thô từ châu Phi từ đầu vụ đến nay đã tăng 15-20% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu tăng nhưng chưa bắt kịp đà tăng giá nhập khẩu nguyên liệu.
Điều này cho thấy, các nhà nhập khẩu và chế biến đang có xu hướng chậm mua nguyên liệu do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do không tương quan giữa giá điều thô nhập khẩu và giá nhân xuất khẩu. Giá điều thô đang ở mức rất cao so với giá nhân bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân thấp. Các nhà máy chế biến khó cân đối để hòa vốn chứ chưa tính đến lãi.
Không những vậy, các vườn điều trong nước cũng không đạt năng suất như mong muốn bởi thời tiết thay đổi, ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu quả trong đợt 2. Vụ điều của Ấn Độ cũng bị giảm năng suất tương tự do thời tiết bất lợi.
Những khó khăn trên vốn đã được doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều dần khắc phục, bởi nhiều doanh nghiệp chế biến điều hàng đầu Việt Nam đã sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ trước đó lấp vào chỗ thiếu hụt trong năm nay.
Cái khó nhất là tình hình hình lạm phát ngày càng căng thẳng của các quốc gia trên thế giới. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã công bố nước Mỹ rơi vào lạm phát cao nhất trong 40 năm qua. người dân phải chi nhiều tiền hơn cho các nhu cầu thiết yếu, điều này dẫn đến những mặt hàng không thiết yếu như hạt điều sẽ tiêu thụ chậm và giá điều cũng rất khó tăng trong thời điểm này.
Cùng đó, căng thẳng Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn và Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Việc xuất khẩu hạt điều Việt Nam vào Nga gặp khó khăn khâu thanh toán, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhân điều đi thị trường này.
Những diễn biến trên đã tác động đến toàn bộ ngành điều. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu hạt điều trong năm 2022 đạt 3,2 tỷ USD, giảm 600 triệu USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm 2022.
Nhắm vào chất lượng và thị trường tâm điểm
Xuất khẩu điều gặp cảnh khó chồng khó và buộc phải giảm mục tiêu xuất khẩu để doanh nghiệp chế biến dễ thở hơn trong việc đáp ứng đơn hàng trong những tháng cuối năm. Các doanh nghiệp chế biến điều cũng linh hoạt điều chỉnh phương án sản xuất và tiếp cận thị trường để đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch VINACAS nhấn mạnh, dù lạm phát tăng cao, người tiêu dùng chi trả nhiều hơn cho món hàng được lựa chọn, nhưng không vì thế mà xao lãng chất lượng của hàng hoá. Để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, VINACAS đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ cập nhật, hướng dẫn thực hiện quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, châu Âu, Mỹ…
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có phương án hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và sản phẩm phụ của cây điều để có cơ sở đánh giá chất lượng.
Bên cạnh việc tập trung vào chất lượng nguyên liệu, chất lượng hạt điều xuất khẩu, ngành điều còn đẩy mạnh vào một số thị trường tâm điểm, nhập khẩu mạnh hạt điều của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, đặc biệt là những thị trường có ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTAs) để vận dụng tối đa những ưu đãi về thuế nhập khẩu.
Theo đó, châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang châu Âu đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung toàn ngành.
Thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ hạt điều nhập khẩu vào châu Âu từ Việt Nam giảm về 0% ngay sau khi EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Mức giảm này rất quan trọng vì trước khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của mặt hàng hạt điều nhập khẩu vào châu Âu từ Việt Nam dao động từ 7 - 12%. Việc EVFTA đi vào thực thi được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn cho ngành điều.
Tại khu vực châu Âu, hạt điều Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước Tây Âu và Đông Âu. Tại khu vực Tây Âu, hạt điều của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ…; trong đó, ngành điều đã khai thác tốt hai thị trường Hà Lan và Đức. Hiện đây là những đầu mối thương mại quan trọng đối với hạt điều nhập khẩu để tái xuất.
Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký VINACAS chúc sẻ, hiện xu hướng tiêu dùng thực phẩm của thị trường châu Âu chú trọng các yếu tố như: sức khoẻ, sự tiện lợi và công nghệ; các protein thay thế (gốc thực vật); tính bền vững và giảm thiểu chất thải; tìm kiếm hương vị và trải nghiệm mới. Trong khi đó, hạt điều là một trong những sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, chỉ số đường huyết thấp có lợi cho sức khoẻ, đồng thời đây cũng là sản phẩm có nhiều hương vị, phù hợp với sở thích, được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.