Khó triển khai việc cai nghiện tự nguyện ở gia đình, cộng đồng
Sáng 13/11, trong kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Sáng 13/11, trong chương trình kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu bày tỏ sự đồng tình về việc sửa đổi để hoàn thiện cơ chế, pháp luật; đồng thời đóng góp ý kiến làm rõ hơn trách nhiệm các tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc quản lý người sử dụng ma túy trái phép.
Trong dự thảo có nêu lên vấn đề cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, một số đại biểu cho rằng đây là giải pháp cần thiết để giảm chi ngân sách, giảm tải cho cơ sở cai nghiện ma túy; đối tượng cai nghiện cũng được gần gũi gia đình và dễ hòa nhập cộng đồng sau này. Tuy nhiên, theo ý kiến đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) và đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình), cần làm rõ việc thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng cũng như những biện pháp giám sát, phòng ngừa để đề phòng trường hợp lợi dụng việc này mà không đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện và vẫn tiếp tục sử dụng ma túy khi ở nhà.
Đại biểu đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí cho hay, việc cai nghiện tự nguyện là điều mới và tiến bộ nhưng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là điều khó dô hoạt động trên cơ sở "tự nguyện". Đại biểu cho rằng việc giám sát cai nghiện tại gia đình, cộng đồng của cơ quan công an quy định trong dự thảo Luật còn mơ hồ, việc kinh phí nhà nước hỗ trợ một phần hoạt động cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng chưa thực sự hợp lý.
Đại biểu đoàn Bình Định Huỳnh Cao Nhất cũng phát biểu rằng khó khả thi thực hiện quy định người sử dụng trái phép ma túy phải tự khai báo về hành vi của mình. Hiện theo quy định thì người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền, ngoài ra còn có thể bị xã hội xa lánh. Đại biểu nêu quan điểm: "Khi tự khai báo thì họ có bị phạt không, nếu tự khai báo mà vẫn bị phạt thì quy định này khó vào đời sống".
Cũng trong phiên họp, nhiều đại biểu khác cũng nên quan điểm về một số vấn đề khác như việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi và trên 18 tuổi có sự phân biệt; cách phân biệt rõ người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy trái phép; Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; chính sách của nhà nước đối với người tham gia phòng, chống ma túy;...
Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm đã gửi lời cảm ơn các ý kiến của đại biểu và mong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, toàn bộ quan điểm chung của dự thảo Luật sẽ là phòng ngừa, ngăn chặn giảm nguồn cung ma túy rồi giảm cầu, trong đó có quản lý, giảm người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Bộ trưởng phát biểu: "Vậy thái độ với người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy thế nào thì dự thảo Luật đã thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, Bộ Công an sẽ tiếp thu để điều chỉnh cho cân đối, hài hòa, thể hiện rõ trách nhiệm quản lý".
Linh Chi (t/h)