Khởi động chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

20:34 | 23/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam được triển khai thực hiện thành công sẽ trở thành mô hình tiêu biểu về quản lý, sử dụng nhựa bền vững.

Báo động đỏ: 1 người Việt tiêu thụ 30 - 40kg nhựa/năm

 
Tại Lễ khởi động Chương trình Đối tác hành động quốc gia về Nhựa (NPAP) và Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội, sáng 23/12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Trong giai đoạn 2010-2020, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam.
 
Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người. Mức tăng này cho thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm của ngành nhựa ở trong nước ngày một tăng lên. Hiện nay, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó 450 doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa, túi ni lông.
 
 
Khởi động chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương - ảnh 1
Tỷ lệ chất thải bao bì, túi nilon không được tái sử dụng tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm'
 
Báo Tin tức cũng đưa ra con số: Ước tính mỗi người dân tiêu thụ, sử dụng khoảng 30 - 40kg nhựa/năm và là 1 trong 4 quốc gia tại Châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Riêng 2 thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày.
 
Số lượng bao bì nhựa và túi nilon sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ chất thải bao bì, túi nilon không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm từ 5 - 8%, tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.
 
Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, Báo Tin tức dẫn lời bà Cao Lệ Quyên (Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản) cho biết, với lĩnh vực khai thác thủy sản, phát thải nhựa đến từ túi đựng cá, khay nhựa, sọt nhựa... Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có những rác thải nhựa như bao bì chứa thức ăn, chế phẩm sinh học... Trong khi đó, rác thải nhựa từ khâu dịch vụ hậu cần nghề cá đến từ bao gói cá, chai lọ đựng thuốc thú y.
 
Còn trong nông nghiệp, đối với mỗi loại cây trồng khác nhau sẽ có những cách sử dụng nguyên vật liệu nhựa khác nhau. Điển hình như cây lúa, phổ biến hiện nay là cách sử dụng màng phủ nilon để che mạ và có thể được tái sử dụng trong 2 hoặc 3 vụ, tùy thuộc vào cách sử dụng, cách bảo quản của người nông dân.
 
Các hệ thống tưới trong nông nghiệp công nghệ cao sử dụng khoảng 1.200 kg nhựa/ha, chủ yếu là các ống PC, PVC... Đáng chú ý, những vùng nông nghiệp công nghệ cao như Lâm Đồng (Đà Lạt), Mộc Châu (Sơn La) sử dụng các nhà màng che phủ bằng nhựa có thể lên tới vài tấn nhựa/ha.
 
Điều đáng nói là, hiện nay rác thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng thì hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; chỉ có những chất thải nhựa có giá trị tái chế (chai nước, bao nilon...) được thu gom từ nhiều nơi còn chất thải nhựa không có giá trị hoặc có giá trị tái chế thấp (hộp xốp các loại, ống hút nhựa...) bị thải ra môi trường hoặc đưa vào bãi rác, lò đốt.
 
Việc xử lý chất thải nhựa và túi nilon phát sinh từ hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt, chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đất, nước… do chất thải nhựa khó phân hủy, có khi mất đến hàng trăm năm mới phân hủy được.
 
Dẫn đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nêu thực tế: Tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm khoảng 50 đến 80% rác thải biển.
 
 
Khởi động chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương - ảnh 2
Tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm khoảng 50 đến 80% rác thải biển.
 
Như vậy, rác thải nhựa hiện được xem là “báo động đỏ”, là vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Phần lớn rác thải nhựa không qua xử lý, được đốt, đổ vào các bãi chôn lấp, ra môi trường, đại dương, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng
 

Hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm

 
Nhận thức được tầm quan trọng về quản lý chất thải nhựa và túi nilon, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều có nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường cũng như hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; và Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
 
Việt Nam có Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu năm 2025 là sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại..., giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương.
 
Việt Nam là một trong 3 quốc gia tiên phong trên toàn cầu thực hiện thực hiện Sáng kiến chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa.
 
Ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.
 
Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) là sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Bộ Tài nguyên và Môi trường với Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa, một nền tảng cho nhiều chủ thể của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
 
 
Khởi động chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương - ảnh 3
Các đại biểu tham dự Lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.
 
Phát biểu tại Lễ khởi động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Ngay từ năm 2018, hưởng ứng chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” do Liên hợp quốc phát động, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại nhiều diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế như: Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018 và Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2019.
 
“Lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam, với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
 
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
 
Phó Thủ tướng kêu gọi và đề nghị các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức quốc tế và toàn xã hội tiếp tục chung tay cùng Chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa.
 
Trước hết, các cơ quan cần thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế ở phạm vi quốc gia về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa, chuyển đổi ngành sản xuất nhựa theo hướng bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tái chế nhựa, sản xuất nhựa theo công nghệ hiện đại.
 
Cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hành vi tiêu dùng nhựa thông minh và bền vững, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa hiệu quả, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
 
Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam được triển khai thực hiện thành công, trở thành mô hình tiêu biểu về quản lý, sử dụng nhựa bền vững. Đồng thời, Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm trong các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong khu vực và toàn cầu.
 
Chia sẻ tại Lễ khởi động, bà Kristin Hughes, Giám đốc GPAP, Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng: “Việt Nam đã chính thức trở thành một trong những quốc gia sớm áp dụng mô hình đặc thù về hợp tác đa chủ thể nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động về nhựa, cùng với Indonesia và Ghana. Hy vọng rằng, với những bài học và thành công từ chương trình đối tác sẽ cung cấp thông tin và xúc tác cho các sáng kiến đầy tham vọng tương tự tại các quốc gia khác  trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.
 
Minh Hoa