Không cho sửa, hủy lệnh: Chẳng khác nào “bịt mắt” nhà đầu tư?

10:05 | 13/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau vài ngày áp dụng cơ chế cấm hủy, sửa lệnh, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia đã chỉ ra vấn đề bất cập và cho rằng các công ty chứng khoán thiếu công bằng.

Được biết, trước yêu cầu của Ủy ban chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, các công ty chứng khoán đều tự nguyện, đồng thuận hạn chế chức năng sửa hủy lệnh giao dịch trên sàn HOSE của khách hàng. Mục tiêu nhằm giảm tải số lượng lệnh vào sàn cùng một thời điểm, chống tắc nghẽn lệnh gây quá tải, dẫn đến nguy cơ làm sập hệ thống giao dịch.

Không cho sửa, hủy lệnh: Chẳng khác nào “bịt mắt” nhà đầu tư? - ảnh 1

Không cho sửa, hủy lệnh chẳng khác nào hành động bịt mắt nhà đầu tư?

Các phiên trước, việc hạn chế hủy sửa lệnh được khuyến cáo theo giờ. Nhưng sau đó, chức năng hủy sửa lệnh trực tiếp của nhà đầu tư tại hầu hết các công ty chứng khoán đã bị tắt.

Một số nhà đầu tư cho biết, trong giai đoạn cuối tuần trước tới thời điểm này, các công ty chứng khoán đều thông báo hạn chế việc sửa/hủy lệnh trong phiên. Tuy nhiên tại một số công ty chứng khoán vẫn có thể thực hiện sửa/hủy lệnh qua kênh môi giới. Lý do là các môi giới có quyền đặt lệnh trực tiếp từ hệ thống công ty vào thẳng sàn HOSE, vì vậy khách do môi giới quản lý vẫn được "cơ chế ưu tiên".

Đánh giá về việc này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đã có sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư, những nhà đầu tư đặt lệnh trực tiếp qua hệ thống công ty chứng khoán thì bị tắt nút sửa, hủy lệnh, còn những nhà đầu tư có môi giới quản lý tài khoản (thường là khách hàng VIP) lại có cơ chế "đèn ưu tiên".

Chuyên gia Phú cho rằng, nếu có việc các công ty chứng khoán vẫn để môi giới đặt lệnh hủy sửa lệnh cho khách hàng thì đây là hành vi thiếu minh bạch và công bằng.

“Hạn chế hủy sửa lệnh giúp thanh khoản tăng cao, nhưng nó như con dao hai lưỡi, sẽ khiến nhà đầu tư phải đặt lệnh MP, bán bằng mọi giá khi “gió đổi chiều”, tức thị trường quay đầu giảm. Tôi lấy ví dụ khi đặt lệnh không khớp mà không thể sửa hủy lệnh khiến cổ phiếu hoặc tiền bị treo trên hệ thống. Điều này chẳng khác nào hành động “bịt mắt” nhà đầu tư. Phí giao dịch thì vẫn thu nhưng thiệt hại thì khách hàng phải chịu” – Chuyên gia Phú cho biết.

Theo ông Phú, việc không cho sửa, hủy lệnh về lâu về dài sẽ khiến nhà đầu tư bức xúc vì gây thiệt hại lớn. Cái cần bây giờ là HOSE phải triển khai nâng cấp lên hệ thống KRX, nếu hệ thống vận hành thuận lợi thì việc không cho sửa, hủy lệnh phải bị bãi bỏ.

“Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì đến cuối tháng 6 sẽ gây quá nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư. Bởi giao dịch trên thị trường chứng khoán không phải tính theo ngày, theo tháng mà tính theo giây, theo phút. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này khi nhà đầu tư giao dịch đóng đầy đủ các loại phí nhưng nhận lại chất lượng phục vụ không tương xứng. HOSE và các công ty chứng khoán cần trả lời câu hỏi này, bởi việc nghẽn lệnh là kết quả của sự yếu kém về năng lực quản trị của HoSE?", chuyên gia Phú nhận định.

Xuân Tùng