Không có gì quý bằng tính mạng, sức khỏe của người dân
Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội vào chiều 22/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để phòng chống dịch. “Một số đại biểu Quốc hội là lãnh đạo TPHCM đã không tham dự kỳ họp để tập trung chỉ đạo chống dịch, bởi vì không có gì quý bằng tính mạng, sức khỏe của người dân. Tôi cũng ngày đêm lo lắng”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Tán thành nhận định giải pháp vaccine là then chốt, Chủ tịch nước đồng ý thúc đẩy tiến trình nghiên cứu, sản xuất, phổ biến vaccine sản xuất trong nước trên tinh thần khẩn trương, nhưng thận trọng. Về lâu dài, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị nguồn nhân lực tốt: “Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi cũng phải tìm cho ra. Ngoài năng lực bẩm sinh thì công tác đào tạo rất quan trọng. Phải khơi gợi tinh thần đổi mới sáng tạo vốn là tiềm năng thế mạnh của người Việt Nam”.
Tán thành cao với báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, những thành tựu thời gian qua đạt được đã để lại nhiều dấu ấn tạo cơ sở vững chắc cho nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã diễn ra hơn 18 tháng với 4 làn sóng dịch, hơn thế, khi nhân dân cả nước khắc phục khó khăn do thiên tai vào năm 2020… thì lại gặp các đợt dịch từ đầu năm 2021, nên càng khó khăn, nhất là đợt dịch thứ tư với biến thể Delta lây nhiễm rất nhanh, nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách theo Chỉ thị 16.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp) cho rằng, cần có giải pháp để gói hỗ trợ được giải ngân, nhanh chóng đến với các đối tượng đang cần. Đợt dịch lần thứ tư phức tạp, diễn biến mạnh, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, vì vậy gói hỗ trợ phải đủ lớn để vực dậy doanh nghiệp.Với thách thức rất lớn như vậy, song các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt, ổn định lạm phát, kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách đạt, chỉ có xuất khẩu là có khó khăn. Theo ông Nguyễn Tạo, sẽ có một số ngành bị tác động mạnh, do đó cần tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu kép; cần quyết liệt trong đầu tư công trung hạn để địa phương sớm thực hiện; tiếp tục “chống dịch như chống giặc”. Cũng theo ông Nguyễn Tạo, khi du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, thì phải chú trọng hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân vượt qua khó khăn.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, thời gian qua dù dịch tác động, song tăng trưởng 5,4% là ở mức cao, đặc biệt nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng rất khá. Tuy nhiên, số người thất nghiệp cao hơn trước do bị ảnh hưởng của dịch, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 24,9%. Vì vậy, phải có giải pháp giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thời “hậu COVID-19”. Việc giãn, hoãn miễn, thuế là điều cần thiết và cần tiếp tục duy trì.
Đề cập đến cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) nhận định, cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay. Ghi nhận chiến lược phòng chống dịch đã chuyển trọng tâm vào việc nhanh chóng tiêm chủng vaccine rộng rãi cho cộng đồng, coi đây như chìa khoá thoát khỏi dịch bệnh, đại biểu đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vaccine.
Theo đại biểu, trong bối cảnh dịch COVID-19, công tác khám chữa bệnh cũng như chính sách bảo hiểm y tế cần có sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng hết sức quan tâm tình hình dịch bệnh và nhấn mạnh: “Chúng ta cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính để nhanh chóng đưa vaccine nội vào sử dụng”.
Theo Chính Phủ