Không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt

23:39 | 08/01/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong năm 2018 Bộ đã đạt được 7 kết quả nổi bật là: Đã tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội tăng nguồn thu ngân sách; hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều chỉ tiêu khác về môi trường đều có chuyển biến tích cực; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng; nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo; các chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, chỉ số cải cách hành chính đều tăng; công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; ứng phó với biến đổi khí hậu đã huy động được toàn xã hội vào cuộc.

Ghi nhận những kết quả trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà ngành TN&MT đã đạt được thời gian qua. Đặc biệt, trong bối cảnh trong nước và quốc tế, ngành TN&MT đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Trong đó đặt vấn đề mạnh mẽ, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt.

Không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, TN&MT là 1 trong 3 vấn đề trụ cột phát triển của đất nước. Từ đó, Thủ tướng đặt ra 4 bài toán cho ngành TN&MT trong năm tới. Thứ nhất, khi chúng ta xác định không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt, chúng ta cần phải làm gì? Thứ hai, ngành TN&MT trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, phải ứng dụng hệ thống xây dựng thông tin từ cá nhân đến tổ chức cơ sở trên nền tảng công nghệ. Làm thế nào để chung tay phát triển môi trường trong nền công nghiệp 4.0? Thứ ba, ứng phó biến đổi khí hậu trong bối cảnh Việt Nam chịu nhiều rủi ro về biến đổi khí hậu. Trong những năm qua đã có nhiều thiệt hại về người và tài sản. Cần tìm tòi những biện pháp tốt hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cuối cùng, ngành TN&MT phải xã hội hóa nguồn lực.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ, ngành, các địa phương cần làm sao để phát huy được nguồn lực, kinh tế tài chính trong ngành; giải quyết được những vướng mắc về thủ tục hành chính, vướng mắc giao quyền… Thủ tướng đặc biệt lưu ý, trên thực tế giữa đời sống với thể chế chính sách hiện vẫn còn những khoảng cách. Bộ TN&MT cần mạnh dạn điều động, kỷ luật, bãi nhiệm, khen thưởng cán bộ ở hệ thống ngành từ Trung ương đến địa phương, để tạo nguồn lực phát triển.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nêu rõ: Trong năm 2019, toàn ngành TN&MT sẽ đặt quyết tâm cao, quán triệt sâu sắc phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" để tạo đột phá, tăng tốc phát triển với các chỉ tiêu chính như: 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; 80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý; 2% thu ngân sách nội địa là từ đất đai, có cơ chế giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài; hoàn thành sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp; 62% hồ chứa quan trọng trên các lưu vực sông vận hành theo cơ chế phối hợp liên hồ…
Để đạt được mục tiêu đặt ra, ngành TN&MT sẽ tạo đột phá trong thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết cơ bản các điểm nóng phát sinh về khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, tích cực chuẩn bị hạ tầng phục vụ quản lý thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, nâng cao chỉ số tiếp cận, sử dụng bền vững, phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên. Chú trọng tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, hành động bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hiện đại hoá, đổi mới công tác dự báo. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.