Không đóng cửa nhà máy nếu phát hiện có F0
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Trong tình hình mới, cần thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, mở cửa phát triển kinh tế với điều kiện có lộ trình và đảm bảo an toàn trong sản xuất và phòng chống dịch.
"Chúng ta thực hiện nguyên tắc 5K, vaccine, thuốc, công nghệ thông tin và ý thức của người dân. Cách ly, xét nghiệm an toàn, hiêu quả, điều trị sớm, từ xa, hạn chế tử vong. Bộ Y tế đã có hướng dẫn và đang xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia để sớm ban hành trong thời gian tới", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh phải vừa chống dịch vừa mở cửa phát triển kinh tế, đảm bảo các yếu tố an toàn. Nhắc đến dự thảo hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận còn nhiều ý kiến băn khoăn, ví dụ khi một doanh nghiệp có một trường hợp F0 ở phân xưởng thì sẽ xử lý thế nào.
Trường hợp này, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế hướng dẫn không đóng cửa cả nhà máy mà khoanh vùng phân xưởng đó, đưa F0 đi điều trị, đưa F1 đi cách ly, phun khử khuẩn để đưa lực lượng mới vào sản xuất sau 24h.
Về xét nghiệm, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, ngay từ đầu và cuối đợt dịch 2, 3, Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn, đối với mẫu xét nghiệm RT-PCR có thể xét nghiệm gộp 5, gộp 10, có thể gộp 15 mẫu; đối với xét nghiệm nhanh có thể xét nghiệm gộp từ 3-5 mẫu trong một ống xét nghiệm để đạt hiệu quả xét nghiệm nhanh hơn.
Đối với Chỉ thị 15, 16, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành Trung ương đang tiến hành rà soát, đánh giá lại. Với tình hình dịch bệnh hiện nay trong điều kiện mới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu và tham mưu để có báo cáo cụ thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét có thể sửa đổi, bổ sung hoặc có Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 15, 16.
Về việc người dân ở TP.HCM và một số địa phương khác tự phát trở về địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuyên Tuyên cho hay, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia cũng như Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương như TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 15. Đó là có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương có công dân của mình cùng với TP.HCM để công dân đăng ký về tỉnh nào thì tỉnh đó sẽ cử người đón công dân về địa phương, thực hiện cách ly, giám sát y tế nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch, tránh lây lan trong cộng đồng. Trong thời gian qua một số tỉnh tổ chức triển khai việc này rất tốt.
Có thêm 54 triệu liều vaccine về Việt Nam từ nay đến cuối năm
Trả lời báo chí về việc lượng vaccine COVID-19 sẽ về trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết từ nay đến hết năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Việt Nam sẽ tiếp cận khoảng 150 triệu liều.
"Từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ về khoảng 54 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ theo từng tuần, từng tháng cho các địa phương theo quy định", ông Tuyên nhấn mạnh.
Về hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng và Hội đồng vaccine quốc gia nghiên cứu, bước đầu thống nhất căn cứ từng loại vaccine để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi. Việc này đang được xin ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn một lần nữa để ban hành trong thời gian sớm nhất.
Còn với câu hỏi liên quan đến lộ trình tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho người dân tại TP Hà Nội, Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ tiếp tục phân bổ vaccine để thực hiện tiêm mũi 2 cho nhân dân Hà Nội.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng thông tin, không chỉ tại Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi địa phương xây dựng địa phương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho tất cả các đối tượng. Trong đó có kế hoạch tiêm vaccine mũi 1 cho đối tượng đủ 18 tuổi trở lên và kế hoạch tiêm mũi 2 để làm sao bao phủ tiêm vaccine.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đến hiện tại, các tỉnh, thành phố trong cả nước và cả Thủ đô Hà Nội đã có kế hoạch tiêm vaccine gửi Bộ Y tế và Bộ Y tế đã tổng hợp chung, đưa ra một khung để dự kiến phân bổ vaccine theo từng tuần, từng tháng đúng lộ trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Chiến lược tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế. Bộ Y tế và các bộ, ngành của Trung ương, kể cả Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành khác nữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất tích cực tiếp cận các nguồn vaccine. Tuy nhiên lượng vaccine về rất khiêm tốn. Khi vaccine về đến đâu thì Bộ Y tế tiến hành phân bổ ngay cho các địa phương căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh.