Kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm: Nhiều áp lực

10:12 | 20/07/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đánh giá về việc kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2020, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định Việt Nam phải đối mặt với nhiều áp lực khi tiến đến mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra.

Kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm: Nhiều áp lực - ảnh 1
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, năm 2019 được coi là năm thành công trong việc kiểm soát lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 2,7%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm 2020 lại được dự báo là phức tạp hơn, để duy trì kiểm soát lạm phát dưới 4% không dễ dàng.

6 tháng đầu năm CPI tăng 4,19%, so với 5 năm gần đây nhất thì đây là con số tăng cao nhất do đặc điểm của năm 2020 rất khác với mọi năm, xuất phát từ dịch COVID-19, thiên tai và hạn hán. Việc kiểm soát chỉ số giá bình quân của Chính phủ thời gian qua là rất đáng ghi nhận.

Trong 6 tháng cuối năm, xu hướng biến động giá tiếp tục tăng, việc điều hành giá cả nói riêng và kiểm soát lạm phát nói chung  sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều trước cuộc khủng hoảng chưa từng có của nền kinh tế thế giới do dịch COVID-19. Kinh tế toàn cầu suy thoái, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn, tổ chức xuất khẩu dầu mỏ bất đồng nội bộ sâu sắc sẽ tác động sâu sắc tới biến động giá.

Ông Long nhận định: Dịch COVID-19 tuy cơ bản được khống chế ở Việt Nam, song làn sóng thứ 2 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới khiến các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn, đứt gãy.

Nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, buộc các quốc gia đóng cửa, thị trường tài chính chao đảo lần nữa, thì những nước dễ bị tổn thương nhất có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ, làm suy yếu thêm các nỗ lực phục hồi kinh tế.

Kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm: Nhiều áp lực - ảnh 2
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định Việt Nam phải đối mặt với nhiều áp lực về kiểm soát lạm phát. Ảnh: DNVN/Minh Hoa
“Do độ trễ, tác động từ bên ngoài đến kinh tế trong nước có thể còn rõ nét hơn trong quý III, quý IV. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Những tháng còn lại của năm nay vẫn còn nhiều yếu tố gây rủi ro đối với nỗ lực kiềm giữ CPI ở mức thấp”, ông Long nhận định. 
Theo ông Long, Chính phủ  đã và đang rất quyết liệt thực hiện bằng được mục tiêu về chỉ số giá cho năm 2020, bởi chỉ số giá tiêu dùng là một trong những vấn đề thuộc kinh tế vĩ mô. Kiểm soát lạm phát không tốt sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng, đời sống, việc làm, tỉ giá.

Để kiểm soát lạm phát không đơn thuần chỉ là công tác điều hành giá, mà đòi hỏi phải có chính sách kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư và công tác điều hành giá cả thị trường. Trong đó, công cụ quan trọng nhất là chính sách tiền tệ - ổn định sức mua đồng tiền để đồng tiền không bị mất giá. Sức mua đồng tiền thể hiện ở hai mặt sức mua đối nội và sức mua đối ngoại. Nghĩa là phải ổn định mặt bằng lãi suất, sức mua đồng tiền, tỷ giá điều hành chính sách tiền tệ.

Điều hành giá phải thực hiện đúng quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, không nên duy ý chí. Phải kiểm soát chặt chẽ, có chế tài xử phạt nghiêm minh trong khâu lưu thông phân phối. Chính phủ đã đưa ra giải pháp tương đối đồng bộ và toàn diện, nhưng quan trọng là vấn đề thực thi, có sự thanh tra kiểm tra hoạt động thực thi.

“Đặc biệt, điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính”, ông Long khuyến nghị.