Kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược ứng phó trung và dài hạn hỗ trợ DN
Trên cơ sở đó, VBCSD cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược ứng phó trong trung và dài hạn gắn với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; cũng như lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VBCSD kiêm Tổng Thư ký VCCI cho biết đại dịch diễn ra khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó, thiếu hụt nguyên liệu... dẫn tới sụt giảm doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp buộc phải đưa ra những phương án, chiến lược kinh doanh phù hợp; gắn những vấn đề ngắn hạn cấp bách với chiến lược trung và dài hạn. Bởi, sau đại dịch, chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ sớm được tái cơ cấu và định vị.
Qua khảo sát, 31% doanh nghiệp hội viên VBCSD cho biết đã và sẽ tập trung nhiều hơn cho thị trường trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài. Đặc biệt, 81% doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết ngành, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng nếu trong tương lai có thể xảy ra những sự kiện tương tự như dịch COVID-19.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, chuyển đổi số... nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường, hình thức kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, việc cần làm trước tiên đó là tiết kiệm, cắt giảm chi phí, hoãn đầu tư những hạng mục chưa thiết yếu là những yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Đại diện VBCSD đề xuất: Chính phủ rất cần xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19.
Những chính sách được ban hành cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn đi kèm với các hoạt động trung hạn để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới; cũng như định hướng phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Ngay trong các chính sách của Chính phủ cũng cần tính đến yếu tố quản trị rủi ro thông qua việc xây dựng các kịch bản ứng phó với những điều kiện bất lợi có thể xảy ra trong tương lai như COVID-19 là 1 ví dụ điển hình.
Ông Vinh đề xuất Chính phủ cần xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời, triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện Mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Liên quan tới chiến lược phát triển bền vững và lộ trình thực hiện từ nay tới năm 2030 của các doanh nghiệp Việt Nam, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, cho hay, đây là chuyện sống còn và gắn với “máu, thịt” của các doanh nghiệp trong dài hạn. Đây cũng là “chiếc phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng chống chọi và phục hồi trong mọi tình huống; nhất là ở bối cảnh dịch bệnh COVID–19 như hiện nay.