Kinh doanh gặp khó, Thuỷ sản Nam Việt (ANV) báo lãi quý III/2023 giảm 99%

Trang Mai 15:19 | 25/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kinh doanh trong thời điểm khó khăn khi các thị trường xuất khẩu còn lượng tồn kho lớn, Thuỷ sản Nam Việt (mã: ANV) báo lãi quý III giảm mạnh. Tuy nhiên, những tín hiệu phục hồi đã có khi dần về cuối năm.

Theo BCTC hợp nhất quý III/2023, ANV ghi nhận doanh thu thuần 1.099 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ, chủ yếu do hoạt động bán hàng trong và ngoài nước đều giảm. Cụ thể, ANV thu về 356 tỷ đồng từ thị trường nội địa và gần 743 tỷ đồng từ xuất khẩu, đều giảm 11% so với quý III năm ngoái. 

Ngược lại, giá vốn hàng bán tăng 7% lên 1.014 tỷ đồng, kéo lãi gộp của ANV giảm đến 70% xuống còn 85 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng mỏng đi, lùi về 8% so với 23% cùng kỳ.

Trong bối cảnh khó khăn, nhìn chung các chi phí đều giảm so với cùng kỳ, song chi phí lãi vay tăng 14% lên 29 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong cơ cấu chi phí tài chính. Song, nhờ giảm lỗ chênh lệch tỷ giá (ghi nhận 7 tỷ đồng, giảm 73%) nên chi phí tài chính của công ty vẫn giảm 27% so với cùng kỳ.

Sau thuế, ANV báo lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng,giảm mạnh so với 120 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái, tương ứng giảm 99%. Toàn bộ lợi nhuận đến từ cổ đông Công ty mẹ. 

Lũy kế 9 tháng, ANV ghi nhận doanh thu thuần 3.328 tỷ đồng, lãi trước thuế 63 tỷ và 42 tỷ đồng, thực hiện được 64% kế hoạch doanh thu và 21% kế hoạch lãi trước thuế năm.

 

Tính tới cuối quý III, tổng tài sản của Công ty là 5.360 tỷ đồng, thu hẹp 2% so với đầu năm. Trong đó có gần 30 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; 186 tỷ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Công ty còn hơn 373 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, đã giảm 9,5% so với đầu năm. Khoản thu này chủ yếu đến từ các khách hàng nước ngoài và doanh nghiệp cũng đã trích dự phòng 42 tỷ đồng cho khoản phải thu khó đòi. 

Hàng tồn kho cuối quý III còn 2.448 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm, chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, thành phẩm và nguyên vật liệu. Công ty cũng dự phòng hơn 11,2 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho.

Bên cạnh đó, Công ty có khoản đầu tư góp vốn vào CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa với giá gốc hơn 20 tỷ đồng, nhưng đã trích lập dự phòng gần 14 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của ANV còn 2.376 tỷ đồng, giảm được hơn 8%. Nợ nhiều nhất đến từ nợ vay, trong đó nợ vay ngắn hạn còn 1.780 tỷ đồng và nợ dài hạn 185 tỷ đồng. Trong 9 tháng, doanh nghiệp đã phải trả 105 tỷ đồng cho chi phí lãi vay này. 

Dự phóng kết quả kinh doanh của ANV, trong phân tích cuối tháng 6, Chứng khoán VCBS cho rằng, công ty đang duy trì các đơn hàng ổn định, đảm bảo 100% công suất cho đến hết tháng 6. Sau khi có kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19, công ty sẽ lên kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ mạnh mẽ hơn và bán được sản phẩm chủ đạo của mình với giá gấp đôi so với các thị trường cũ, giúp biên lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện trong tương lai.

Bên cạnh đó, ANV cũng kỳ vọng giá ở thị trường Trung Quốc sẽ được cải thiện khi nguồn hàng tồn kho cạn dần và tiêu dùng được cải thiện khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục trở lại. VCBS cho biết công ty đã kết nối được 1 tập khách hàng mới ở Trung Quốc, lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu 35% tại quốc gia này.

VCBS dự phóng ANV sẽ đạt 3.919 tỷ doanh thu và 413 tỷ lợi nhuận sau thế trong năm nay, giảm lần lượt 20% và 39% so với cùng kỳ trước khi dần hồi phục trong năm 2024.