Xuất khẩu thuỷ sản quý IV có thể đạt 2,4 tỷ USD
Tốc độ sụt giảm dần thu hẹp
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm (giảm khoảng 27%), sau đó từ tháng 6, tăng trưởng âm thu hẹp dần, riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ.
Do vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với quý III/2022 – cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý đầu năm.
Tổng thể cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, các mặt hàng chính gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có doanh số xuất khẩu giảm mạnh hơn so với các loài khác. Trong đó, cá tra giảm mạnh nhất với 31%, tôm giảm 26%, cá ngừ giảm 24%. Trong khi đó, mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ giảm từ 10-18%, các loại cá biển khác chỉ thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, nhóm 3 sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có tín hiệu tích hơn trong quý III, với kim ngạch xuất khẩu cao nhất và mức tăng trưởng âm thấp nhất từ đầu năm. Sau khi giảm 28% trong quý II, sang quý III, xuất khẩu tôm chỉ thấp hơn 13% so với cùng kỳ. Trong khi cá tra có doanh số thấp hơn 12% và cá ngừ giảm gần 8%, so với 2 con số tương ứng là -41% và -31% trong quý II.
Xuất khẩu các sản phẩm cá biển khác có xu hướng ngược lại: giảm sâu nhất trong quý III với 15%, sau khi tăng 2% trong quý I và giảm 9% trong quý II. Thiếu nguyên liệu, những vướng mắc liên quan đến kiểm soát theo quy định IUU có thể là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu hải sản khó khăn hơn.
Tín hiệu khả quan nhất là mặt hàng cua, ghẹ (chủ yếu là ghẹ) có kim ngạch xuất khẩu tăng vượt bậc trong quý III, gấp hơn 1,5 lần so với quý II và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc đều giảm từ 17- 34%, trong khi Nhật Bản giảm ít hơn với 13%. Trong các khối thị trường lớn, Trung Đông được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Việt trong 2 năm gần đây, trước những biến động chiến tranh, lạm phát, khủng hoảng giá năng lượng. Trong quý III, riêng khối thị trường này có được mức tăng trưởng dương nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, với mức 2% so với cùng kỳ năm 2022, và lũy kế 9 tháng đầu năm cũng có mức giảm thấp nhất, giảm 8%. Khối thị trường ASEAN và CPTPP giảm lần lượt 15% và 20% so với cùng kỳ.
Vasep đánh giá, kết quả xuất khẩu các thủy sản trong quý III có sự khởi sắc so với những tháng đầu năm, nhưng chưa có sự đột phá mạnh mẽ để nhìn thấy một xu hướng ổn định trong thời gian tới, vì mặt bằng so sánh nửa đầu năm 2022 đã ở mức thấp, sau khi tăng cao nửa đầu năm 2022.
Mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính: Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ví dụ, giá trung bình xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang thị trường Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay liên tục ở mức thấp hơn 25-40% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá minh thái, cá rô phi, thì xuất khẩu cá tra sang Mỹ phải cạnh tranh với chính lượng hàng tồn từ năm 2022. Các chuyên gia dự đoán ít nhất tới năm 2024, cơ hội phục hồi mới khả quản hơn, khi áp lực về tồn kho không còn lớn nữa.
Với thị trường Trung Quốc, không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng đang trông chờ vào sự khôi phục ổn định sau Covid, đặc biệt là sau dịp Lễ vào mùa thu này – thời điểm mà nhu cầu của Trung Quốc thường tăng cao. Chính vì nhiều nguồn cung nhắm tới thị trường này nên giá mua của các nhà nhập khẩu Trung Quốc thấp. Tuy nhiên, đây vẫn là điểm đến tiềm năng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.
Với diễn biến hồi phục dần dần từ các thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản quý IV có thể mang về khoảng 2,4 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch cả năm 2023 lên 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.
Triển vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu
Trong phân tích ngành thuỷ sản mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, trong nửa cuối 2023, các công ty xuất khẩu nhiều sang Mỹ như Vĩnh Hoàn (mã: VHC) và Sao Ta (mã: FMC) sẽ phục hồi đáng kể, trong khi các công ty xuất khẩu sang Nhật Bản có thể duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn giữ vị trí trung lập do những thách thức nội tại, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp cao và nền kinh tế trì trệ, khiến sức mua yếu đi.
Đối với các doanh nghiệp thủy sản, quý II nhiều khả năng sẽ là thời điểm tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến lợi nhuận hàng quý sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023 do xuất khẩu thủy sản đang dần phục hồi. Việc giảm chi phí vận tải trong nửa đầu năm đã giúp hạn chế thu hẹp lợi nhuận. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ lợi nhuận trong suốt nửa cuối 2023.
Mặc dù sẽ có một số cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhưng tăng trưởng chung trong năm dự kiến sẽ âm, ngoại trừ các doanh nghiệp cắt giảm đáng kể chi phí và phục hồi nhanh chóng (như FMC). Tuy nhiên, triển vọng cho năm 2024 có vẻ tươi sáng hơn, với sự phục hồi xuất khẩu nhanh hơn và sự trở lại mạnh mẽ của đơn hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.
Ngành thủy sản thường hoạt động theo chu kỳ kéo dài 3-5 năm. Hiện tại, VDSC cho rằng toàn ngành đang vào giai đoạn đáy và bước vào một chu kỳ mới.