Kinh doanh văn phòng phẩm, nơi lãi trăm tỷ, nơi lỗ trăm triệu
Tại Việt Nam, thị trường văn phòng phẩm được hình thành từ rất lâu. Sự phát triển của thị trường gắn liền với sự gia tăng về nhu cầu sử dụng. Ban đầu, thị trường ra đời những sản phẩm cơ bản là bút, giấy. Sau, chúng phát triển với nhiều mặt hàng đa dạng hơn, như kẹp giấy, túi hồ sơ, tài liệu, bút màu, băng dính, ghim bấm, giấy nhớ, …
Báo cáo thị trường văn phòng phẩm Việt Nam 2022 của Vietdata vừa công bố cho thấy quy mô thị trường văn phòng phẩm Việt Nam ước tính đạt 195,35 triệu USD vào năm 2022. Đơn vị này dự báo, trong giai từ 2023 đến 2029, quy mô thị trường cung ứng và văn phòng phẩm Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,37%, đạt giá trị 316,41 triệu USD vào năm 2029. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi sự gia tăng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Vietdata đánh giá, bối cảnh hiện nay đang tạo ra nhiều triển vọng cho các doanh nghiệp văn phòng và dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể trong thị trường cung ứng đồ dùng văn phòng phẩm Việt Nam.
Các thương hiệu sản xuất đồ dùng văn phòng phẩm trên thị trường Việt Nam nổi bật như: Thiên Long, Hồng Hà, Hải Tiến, Vĩnh Tiến,...
Thiên Long đứng đầu về doanh thu và lợi nhuận
Theo Vietdata, Thiên Long là một trong những công ty văn phòng phẩm số 1 tại Đông Nam Á và hàng đầu tại Châu Á về sản xuất và kinh doanh hàng văn phòng phẩm. 4 dòng sản phẩm chính của Thiên Long là: bút viết, dụng cụ học tập, văn phòng và mỹ thuật. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phát triển thương hiệu riêng cho đồ dùng văn phòng mang tên FlexOffice để phục vụ thị trường trong nước và ngoài nước.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Thiên Long ghi nhận xu hướng thay đổi liên tục trong giai đoạn 2020 - 2022. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, năm 2020, doanh thu đạt gần 2.685 tỷ đồng. Con số này giảm nhẹ 0,6% vào năm 2021, sau đó tăng 32% vào năm 2022, đạt 3.521 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.988 tỷ đồng, tăng 6% (tương đương 106 tỷ) so với cùng kỳ.
Về lợi nhuận sau thuế, năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt gần 240 tỷ đồng. Con số này tăng 15% vào năm 2021, lên 277 tỷ đồng. Sau đó, ghi nhận mức lợi nhuận tăng mạnh trở lại vào năm 2022, đạt 401 tỷ đồng. Sang nửa đầu năm 2023, lợi nhuận đạt 268 tỷ đồng, tăng 10,6% (tương đương 32 tỷ) so với cùng kỳ.
Theo giải trình, đơn vị này cho biết doanh thu tăng nhẹ nhờ thực hiện nhiều chương trình bán hàng. Tuy nhiên, công ty cũng đầu tư vào đội ngũ nhân viên, thương hiệu dẫn tới chi phí hoạt động tăng, khiến lợi nhuận giảm.
Hồng Hà thu lãi 80 tỷ trong năm 2022
Theo Vietdata, văn phòng phẩm Hồng Hà có lịch sử phát triển 60 năm, được xem là một trong những thương hiệu đồ dùng văn phòng đầu tiên của Việt Nam. Một vài sản phẩm tiêu biểu của Hồng Hà là bút bi nước chữ A và vở kẻ ô cho học sinh tiểu học.
Theo dữ liệu công bố từ doanh nghiệp, Hồng Hà có doanh thu tăng trưởng khá đều giai đoạn 2009-2018, từ 302 lên 647 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2018, doanh nghiệp này cũng gặp nhiều vấn đề liên quan đến cổ đông lớn và biến động nhân sự. Sau đó, đơn vị này cũng không tiếp tục công khai kết quả kinh doanh.
Theo dữ liệu từ Vietdata, giai đoạn 2020-2022, Hồng Hà có chuỗi tăng trưởng doanh thu. Năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt hơn 610 tỷ đồng. Con số này tăng 20,4% vào năm 2021 và tăng thêm 29% vào năm 2022, đạt gần 960 tỷ đồng.
Về lợi nhuận sau thuế, năm 2020, lợi nhuận đạt hơn 45 tỷ đồng. Con số này tăng 85% vào năm 2021 sau đó giảm nhẹ 2% vào năm 2022, đạt hơn 80 tỷ đồng.
Hải Tiến thu "lãi còi"
Một đơn vị khác kinh doanh trong lĩnh vực văn phòng phẩm khá tiếng tăm là Hải Tiến. Ra đời vào năm 1989, sản phẩm chủ yếu của Hải Tiến là các loại vở ô ly học sinh, sổ tay và đồ dùng học tập.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, doanh thu của Hải Tiến ghi nhận dao động nhẹ. Năm 2022, doanh thu đạt gần 640 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021 và tăng 29,4% so với năm 2020.
Về lợi nhuận sau thuế, Hải Tiến ghi nhận lợi nhuận không có sự thay đổi nhiều qua từng năm, dao động từ 1 tỷ - 1,5 tỷ mỗi năm.
Vĩnh Tiến lỗ 400 triệu đồng vào năm 2022
Vĩnh Tiến tham gia thị trường từ năm 1988, đây cũng là đơn vị sở hữu thương hiệu "VIBOOK". Khác với các đơn vị cùng ngành, dù có doanh thu đều đặn hàng trăm tỷ mỗi năm, thế nhưng số lãi chưa đến 1 tỷ đồng, thậm chí thua lỗ trong 3 năm gần đây.
Theo dữ liệu của Vietdata, năm 2022, doanh thu của thương hiệu đạt gần 240 tỷ đồng. Con số này tăng 11% so với năm 2021 và tăng hơn 105% so với năm 2020.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Tiến có sự giảm mạnh, trong hai năm 2020 và 2021 dao động khoảng 750 triệu đồng. Con số này đã giảm mạnh xuống mức âm 400 triệu đồng vào năm 2022.