Thiên Long sẽ góp vốn kinh doanh sách, báo, tạp chí sau khi ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục

Trang Mai 08:10 | 11/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã: TLG) đã thống nhất thông qua các nội dung liên quan đến việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Pega Holdings.

Cụ thể, TLG sẽ góp vốn 25 tỷ đồng, tương đương 2,5 triệu cổ phần và chiếm 25% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Pega Holdings - đơn vị có hoạt động kinh doanh chính là sách, báo và tạp chí. 

Theo đó, bà Trần Phương Nga - Tổng Giám đốc Điều hành TLG sẽ là người đại diện theo uỷ quyền của TLG tại Công ty Cổ phần Pega Holdings đối với toàn bộ phần vốn góp. Bà cũng là đại diện chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. 

Đồng thời uỷ quyền cho ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch HĐQT thay mặt HĐQT quyết định các vấn đề liên quan đến phần góp vốn tại Pega Holdings, bao gồm nhưng không giới hạn việc mua thêm, chuyển nhượng, tặng cho, chuyển đổi cổ phần của Pega Holdings. 

Trước đó, vào hồi đầu tháng 10, TLG cũng quyết định tăng vốn đầu tư ra nước ngoài cho dự án Flexoffice Pte. Ltd. Sau khi tăng 500.000 USD vốn góp lưu động, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên hơn 1,3 triệu USD.

Tình hình kinh doanh của TLG 

Theo báo cáo thường niên gửi nhà đầu tư, TLG cho biết, trong 8 tháng 2022, TLG tiếp tục ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tích cực đạt hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 48% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu tăng 58%, đóng góp 24% doanh thu cho TLG. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 396 tỷ đồng, tăng trưởng 137%. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của Tập đoàn. 

 

Biên lãi gộp duy trì cao ở mức 44,1% và biên lãi thuần đạt 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 41,4% và 9,8%.

Nhìn lại tháng 8 năm ngoái, Việt Nam ghi nhận sự bùng dịch nghiêm trọng tại hầu hết các thành phố lớn. Cao điểm giãn cách xã hội cũng diễn ra trong thời gian này. Nhu cầu hàng hóa giảm mạnh cả ở hai thị trường nội địa và xuất khẩu, chuỗi cung ứng và sản xuất bị đình trệ dẫn tới kết quả kinh doanh của Tập đoàn kém khả quan. Tháng 8/2021, TLG ghi nhận doanh thu khoảng 80 tỷ và khoản lỗ ròng hơn 28 tỷ đồng.

Bước sang tháng 8/2022, TLG đẩy mạnh truyền thông dòng sản phẩm mới Pazto và nhãn hàng TL, cùng lúc đó khởi động chiến dịch tái định vị thương hiệu Colokit với Mega Color Event được tổ chức trong tháng 9 mới đây. Do vậy, chi phí bán hàng và quản lý đã được ghi nhận tăng dần trong giai đoạn này lên 25,4% doanh thu 8 tháng so với mức 24.7% trong 7 tháng đầu năm.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022, TLG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.881,5 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí vốn cũng tăng lên 1.057,6 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp thu về là 823,9 tỷ đồng. Sau thuế, Tập đoàn báo lãi hơn 300 tỷ đồng, tăng 1,7 lần cùng kỳ 2021. 

Thời gian này, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt làm cho doanh thu tăng trưởng. Đồng thời công ty tiếp tục tái cấu trúc các kênh bán hàng, gia tăng hiệu quả bán hàng, cùng với đó là việc công ty đã dự trữ được nguyên vật liệu giá thấp, dẫn đến giá thành sản xuất được tối ưu. Đây là các nguyên nhân chính làm cho kết quả kinh doanh hợp nhất tốt hơn so với cùng kỳ.

Riêng Công ty mẹ có doanh thu 6 tháng đạt 440 tỷ đồng, giảm 271 tỷ đồng, tương đương giảm 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ 6 tháng năm 2022 đạt 146 tỷ đồng, tăng 41 tỷ đồng,  tương đương tăng 39% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận lại tăng ở Công ty mẹ là do kể từ đầu năm 2022, toàn bộ hoạt động sản xuất của công ty mẹ đã được chuyển giao cho công ty con là Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Nam Thiên Long. Công ty mẹ chỉ còn hoạt động thương mại, chủ yếu là hoạt động xuất khẩu. Đây là nguyên nhân chính làm cho doanh thu của công ty mẹ giảm sút so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tốt hơn cùng kỳ năm trước là do điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con trong kỳ là 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chưa thực hiện điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con.

Kết thúc quý II/2022, TLG có tổng tài sản 2.732 tỷ đồng, tăng 286 tỷ đồng từ đầu năm. Trong đó hàng tồn kho 713,6 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 598,5 tỷ đồng, tài sản cố định 433 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến 30/6/2022 là 756,6 tỷ đồng, chủ yếu là khoản nợ ngắn hạn với phải trả người bán 261 tỷ đồng, vay ngắn hạn 230 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến cùng thời gian là 2.732 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm. 

Tuy kết quả kinh doanh khả quan nhưng cũng không thể giúp cổ phiếu TLG tránh khỏi đà giảm chung của thị trường chứng khoán Việt thời gian gần đây. Cổ phiếu TLG bắt đầu rớt mạnh từ 68,500 đồng/cp (từ giữa tháng 9/2022) xuống dưới ngưỡng 50,000 đồng/cp (04/10) trước khi hồi phục trở lại lên mức 57,000 đồng/cp (phiên sáng 10/10). 

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, TLG thông qua chỉ tiêu doanh thu thuần 3.250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng. Kế hoạch chia cổ tức với dự kiến 30%/mệnh giá, trích quỹ khen thưởng phúc lợi 10% từ lợi nhuận sau thuế và thù lao, chi phí của HĐQT và Ban Kiểm soát 10 tỷ đồng/năm.