Thiên Long (TLG) chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 15%

Trang Mai 18:21 | 16/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã: TLG) đã chốt danh danh sách cổ đông chi trả cổ tức đợt 2 năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận được 1.500 đồng. Thời gian thanh toán bắt đầu từ ngày 11/1/2023.

Cụ thể, Thiên Long sẽ trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 15% (tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng). Thời gian thanh toán bắt đầu từ ngày 11/1/2023.

Như vậy, với hơn gần 77,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Thiên Long sẽ chi khoảng 116,7 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này cho cổ đông. Trước đó, vào tháng 6, tập đoàn đã tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền cũng với tỷ lệ 15%.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TLG đạt 2.780 tỷ đồng và lãi ròng 404 tỷ đồng, tăng 48% và 125% so với cùng kỳ. Năm 2022, TLG đặt mục tiêu 3.250 tỷ đồng doanh thu và 280 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, với kết quả đạt được sau 9 tháng, công ty thực hiện được 85% mục tiêu doanh thu và hoàn thành vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm.

Nhóm bút viết và các sản phẩm văn phòng tiện ích với nhãn hàng Thiên Long là nhóm sản phẩm chủ lực, lâu đời của Tập đoàn từ ngày đầu thành lập và đang dẫn đầu thị trường nội địa với khoảng 60% thị phần.

 

 

Trong 4 năm trở lại đây, tập đoàn Thiên Long liên tục báo lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đỉnh điểm là năm 2019 với lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt tới 349,1 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt, thưởng cổ phiếu của đơn vị này tương ứng 4 năm qua như sau:

Năm 2018, đơn vị chi trả cổ tức bằng tiền mặt 2 lần với tổng tỷ lệ là 15%.

Năm 2019, trả cổ tức bằng tiền mặt 3 lần với tổng tỷ lệ chi trả là 20%.

Năm 2020 và 2021, công ty chi trả cổ tức 2 lần với tổng tỷ lệ chi trả ở mức 20%.

Trong 4 năm gần nhất, chỉ duy nhất năm 2019 Thiên Long ghi nhận trả cổ tức đợt 2 năm 2018 bằng cổ phiếu phát hành thêm với tỷ lệ 20:1 (tương ứng 5%).

Về tình hình tài chính, cuối quý III, tổng tài sản của Thiên Long khoảng 2.755 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn đạt 838 tỷ đồng, chiếm 30% tổng tài sản. Đa phần, các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng.

Tại ngày 30/9, hàng tồn kho của Thiên Long tăng 17% so với đầu năm, khoảng 812 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu và thành phẩm.

 

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay của doanh nghiệp là 192 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ từ các ngân hàng. 9 tháng đầu năm, chi phí lãi vay của doanh nghiệp là hơn 6 tỷ đồng trong khi lãi thu được từ tiền gửi ngân hàng là gần 17 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9 của Thiên Long khoảng 2.077 tỷ đồng bao gồm 676 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Liên quan đến bộ máy nhân sự, hiện nay ông Cô Gia Thọ giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Thiên Long. Ông đã gắn bó với Thiên Long từ năm 2003 và hiện đang nắm giữ hơn 42 triệu cổ phiếu, tương đương gần 54% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Bà Trần Phương Nga giữ vị trí Tổng giám đốc, nắm giữ 128 nghìn cổ phiếu. 

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 16/12, TLG dừng ở mức giá 53.300 đồng/cp, tương ứng bứt phá 43% kể từ đáy hồi giữa tháng 11. So với đầu năm, cổ phiếu này vẫn ghi nhận mức tăng tích cực 22%, một trong nhiều cái tên hiếm hoi ngược dòng thị trường chung.

Trong báo cáo nhanh ngày 14/10, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá 2022 là một năm tăng trưởng đột phá của Thiên Long nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi cũng như các chuyển biến tích cực trong nội tại doanh nghiệp.

Bức tranh lợi nhuận của TLG các tháng cuối năm 2022 kỳ vọng sẽ tiếp tục tươi sáng với doanh thu thuần dự phóng đạt 3.831 tỷ đồng, tăng 43.6% so với năm trước và 585 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 112%. Trong năm 2023, tăng trưởng có thể thấp hơn do không còn động lực từ nhu cầu dồn nén, tuy nhiên VCBS kỳ vọng việc nhà máy mới đi vào hoạt động và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sẽ giúp Thiên Long duy trì tăng trưởng xấp xỉ 7,7%.