Kinh tế 9 tháng: Áp lực lớn với ngành dệt may - da giày

Đức Dũng (TTXVN) 16:56 | 27/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau những bước phục hồi tăng trưởng ấn tượng trong những tháng đầu năm, ngành dệt may - da giày đang phải đối diện với nhiều khó khăn, dự báo xuất khẩu của hai ngành này không được lạc quan trong những tháng cuối năm bởi chịu tác động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới.

Các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may - da giày đều đang phải chịu áp lực lớn từ lạm phát, làm sụt giảm sức tiêu dùng của người dân trên toàn cầu. Để vượt qua những khó khăn, duy trì sản xuất ổn định trong những tháng cuối năm nhằm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu, đòi hỏi ngành dệt may - da giày phải có giải pháp tổng thể giải quyết được việc làm, giữ được các đơn hàng cũng như đa dạng hóa thị trường.

Khó khăn hơn về cuối năm

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, những tháng đầu năm 2022, ngành da giày đã có sự hồi phục ấn tượng. Đây cũng là một trong nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu giày dép - túi xách đến nay đã đạt hơn 19 tỷ USD; trong đó, da giày 16,5 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước; túi xách 3 tỷ USD, tăng 30%.

Mức tăng trưởng này là tăng đều ở các thị trường trọng điểm như thị trường Bắc Mỹ, châu Âu... Có được điều này là nhờ ngành da giày đã phát huy rất hiệu quả lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại để đảm bảo tăng trưởng, vượt qua thách thức do tác động dịch bệnh COVID-19, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhìn nhận.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi nhìn nhận về tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm 2022, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, dự báo xuất khẩu của ngành da giày không được lạc quan bởi những bất lợi của tình hình kinh tế thế giới đã tác động mạnh đến ngành. Các thị trường xuất khẩu chính của da giày là EU, Mỹ đều đang chịu lạm phát gia tăng khiến người dân giảm chi tiêu, thị trường tiêu dùng sụt giảm, ảnh hưởng đến sức mua chung.

"Các thị trường tiêu thụ chậm, cùng đó là việc gián đoạn chuỗi cung ứng làm cho hàng hoá tồn kho, không tiêu thụ được. Theo đánh giá của chúng tôi, đây là vấn đề mà ngành da giày đang đối mặt khi tồn kho khá lớn, đồng thời ảnh hưởng đến đơn hàng. Hiện, các doanh nghiệp da giày gần như sụt giảm đơn hàng từ nay đến quý I/2023", bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết.

Không nằm ngoài tình trạng trên, dệt may cũng là lĩnh vực đang phải đối mặt với tác động từ tình trạng lạm phát trên thế giới. Lạm phát tăng cao trên toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sức mua giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU... gây ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp.   

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), kinh tế khó khăn, tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU… làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng; trong đó có hàng dệt may giảm đáng kể. Bên cạnh đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có hồi kết ảnh hưởng đến một số thị trường của dệt may Việt Nam tại Nga, Ukraine cũng như các nước khác trong khu vực.

Nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp hứng khởi khi có nhiều đơn hàng, sản xuất quay trở lại. Tính đến nay, xuất khẩu dệt may đạt hơn 31 tỷ USD; trong đó, dệt may đạt 26,04 tỷ USD, tăng 23,1%; xơ sợi 3,438 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may hơn 1 tỷ USD, tăng 19,4%... Ngành dệt may đang xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD. Tuy vậy, sau quãng thời gian thuận lợi đó, nửa cuối năm của ngành gặp phải không ít khó khăn khi các thị trường lớn, xuất khẩu chủ yếu rơi vào tình trạng lạm phát, khiến đơn hàng sụt giảm, ông Trương Văn Cẩm cho hay.  

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty May Đáp Cầu – Lương Văn Thư, đơn vị nhìn nhận những khó khăn về thị trường, tìm kiếm nguồn hàng, về quy mô và đơn giá đều giảm từ đầu quý III này. Ở thị trường chính như Mỹ, châu Âu, đơn hàng đã giảm tới 50%.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cũng nhận xét, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt 31 tỷ USD nhưng tăng trưởng này chủ yếu rơi vào các tháng đầu năm. Trong khi từ tháng 7/2022 tới nay, các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp dệt may ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh đang sụt giảm đơn hàng mạnh. Các thị trường suy giảm tập trung vào Mỹ, EU bởi sức ép lạm phát từ các quốc gia này lớn, buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi đó dệt may - da giày đều không phải là hàng thiết yếu.

Chia sẻ của doanh nghiệp cho biết, trước đây có thể nhận đơn hàng trước từ 5-6 tháng, nhưng với những biến động thị trường như hiện nay, họ chỉ có thể nhận đơn hàng trước từ 2-3 tháng.  

Không chỉ lạm phát, mà những biến động về giá nguyên, nhiên liệu cũng đang gây khó cho doanh nghiệp. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thời điểm cuối năm vẫn còn đó những biến động khó dự báo, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine, sự biến động về giá của nguyên, nhiên liệu,...  

Cần giải pháp tổng thể

Cho đến nay, nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh trong 8 tháng, cả 2 ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may và giày dép - túi xách đã đóng góp khoảng 50 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kế hoạch đặt ra đến hết năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may và da giày dự báo sẽ đạt trên 68 tỷ USD; trong đó, dệt may xuất khẩu hơn 43 tỷ USD, da giày-túi xách 25 tỷ USD.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, từ đầu năm đến nay bình quân mỗi tháng xuất khẩu dệt may đạt 3,7 - 3,8 tỷ USD, nhưng dự kiến 3 tháng cuối năm bình quân chỉ xuất được 3,1 - 3,2 tỷ USD/tháng do lo ngại lạm phát, tồn kho tăng cao tại nhiều thị trường lớn. Dù vậy, ông Trường cũng kỳ vọng, ngành dệt may vẫn có cơ hội cán đích mục tiêu xuất khẩu 43 - 43,5 tỷ USD trong cả năm.

Từ nay đến cuối năm, Vinatex bằng mọi biện pháp giữ được việc làm, đơn hàng, khách hàng để giữ vững kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành may mặc Việt Nam cần ưu tiên khả năng cung ứng trọn gói, sản xuất được cả sợi, vải và may; tiên phong sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế để thúc đẩy xuất khẩu sang các nước châu Âu, ông Lê Tiến Trường cho hay.

Vinatex cũng cho rằng, cần xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày trong giai đoạn 2025 đến 2030, tập trung việc phát triển ngành theo hướng nào, phát triển ở đâu, phát triển như thế nào để duy trì tính bền vững của xuất khẩu.

Nhằm giúp doanh nghiệp dệt may có đơn hàng, vượt qua khó khăn trước mắt, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas đề xuất, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhất là Thương vụ tại khu vực EU, cập nhật thông tin về chiến lược mới liên quan đến dệt may; Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại làm thế nào thông thoáng con đường vận chuyển giữa hai nước giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên phụ liệu phục vụ kịp thời cho sản xuất; Thương vụ Việt Nam tại thị trường Mỹ và Pháp cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp dệt may trong nước những hội chợ phù hợp để tham gia... Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần tìm cách đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ…

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ sớm phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035", tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải, đáp ứng yêu cầu xuất xứ và tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.

Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác xuất khẩu nguyên phụ liệu trong khối thị trường có FTA để tận dụng ưu đãi về thuế; cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho các doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục quảng bá năng lực, thông tin về những lợi thế của ngành da giày Việt Nam.

Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng cho rằng, để vượt qua khó khăn, bản thân các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu, không nên tập trung một số thị trường. Hiệp hội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường hơn và có thể nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường khác khi gặp khó khăn do các tác động của tình hình thế giới.

Với doanh nghiệp và với chính sách nhà nước, đã đến lúc chúng ta phải có chiến lược Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày, sớm được phê duyệt, qua đó có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp hai ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tới đây. Đồng thời, phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng, xuất khẩu một cách bền vững hơn...