Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái
Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 11/9, bà Yellen cho hay khả năng kinh tế Mỹ suy thoái là một rủi ro khi Fed đang thắt chặt chính sách tiền tệ để giải quyết lạm phát. Do đó, giới chức tài chính Mỹ đang theo dõi sát sao rủi ro này. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định nước này đang có một thị trường lao động khỏe mạnh và hoàn toàn có thể duy trì điều đó.
Đối mặt với lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 6/2022 là 9,1%, Fed đang dần tăng lãi suất cơ bản để giảm bớt áp lực lên giá tiêu dùng, đồng thời hy vọng động thái này không làm “trật bánh” đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các ngân hàng thương mại sử dụng lãi suất chính sách của Fed để thiết lập các điều khoản lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của họ. Lãi suất cao hơn sẽ làm giảm tiêu dùng và đầu tư.
Fed đang hướng tới mục tiêu "hạ cánh mềm" - đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% mà không gây ra suy thoái. Song đây là một động thái có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng đột biến. Tuy nhiên, bà Yellen tin rằng Fed có cách để đạt được mục tiêu trên.
Trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm trong hai quý đầu năm 2022 và phù hợp với định nghĩa cổ điển về suy thoái, Bộ trưởng Yellen một lần nữa nhấn mạnh rằng điều này không phải thực tế.
Bà nhấn mạnh kinh tế Mỹ không nằm trong tình trạng suy thoái. Theo bà, thị trường lao động Mỹ vẫn đặc biệt vững mạnh, khi có gần hai vị trí tuyển dụng cho mỗi công nhân đang tìm việc.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng nhẹ trong tháng 8/2022 lên 3,7%. Sự gia tăng này một phần do có nhiều người tham gia vào lực lượng lao động hơn - một dấu hiệu cho thấy nhiều người lao động nghỉ việc trong đại dịch COVID-19 đang quay trở lại thị trường lao động.
Thách thức hiện thời đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ là phải kiềm chế lạm phát trước khi nó “cố thủ” ở quanh các mức cao, nhưng đồng thời không đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái – điều sẽ gây ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu.