Kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của mình trong nền kinh tế

23:52 | 11/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Năm 2017, lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế phát triển ổn định với mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, đây là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2011 - 2017. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển đúng kỳ vọng vẫn cần phải rỡ bỏ một số rào cản và cơ chế chính sách.

Thực sự là quan trọng của nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), sự tăng trưởng của năm 2017 khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương. Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5 triệu tỉ đồng, tương đương với 223 tỉ USD; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Theo chuyên gia Trần Hoàng Ngân - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - trong thời gian qua kinh tế tư nhân đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Xét về quy mô, khu vực này đóng góp khoảng 40% vào GDP của cả nước, hiện ở TPHCM kinh tế tư nhân đã đóng góp trên 50% vào GDP. Điều này khẳng định kinh tế tư nhân thực sự là quan trọng của nền kinh tế, thông qua việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để phát triển kinh tế tư nhân, chỉ giữ lại những DNNN có vai trò đầu tàu, có tác động đến vị trí chiến lược.

Kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của mình trong nền kinh tế - ảnh 1
 Kinh tế tư nhân đang khẳng định vị trí trong sự phát triển của nền kinh tế

Kết nối 3 trụ cột kinh tế

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải nhìn nhận lại, năng lực cạnh tranh và các thương hiệu Việt tại khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhỏ bé. Sự phát triển của khu vực FDI vẫn mạnh hơn vào xuất khẩu (70%).

Do vậy, chúng ta chưa thể hài lòng với kết quả này, cần phải phát triển và kết nối 3 trụ cột là DNNN, kinh tế tư nhân và FDI để tạo ra một sức mạnh tập thể có thể giúp cho nền kinh tế phát triển nhanh và giảm khoảng cách giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Phải tạo ra cơ chế đủ mạnh với các chính sách, thể chế để giúp cho các DN phát triển khởi nghiệp, sáng tạo đưa kinh tế phát triển, nhất là tại các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch dịch vụ…

Theo ông Nguyễn Hồng Cầu - GĐ Cty TNHH Xây dựng công trình điện Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) thì hạn chế lớn nhất đối với các DN tư nhân là lãi suất ngân hàng hiện quá cao (8%/năm). Để đầu tư vào dây chuyền sản xuất kinh doanh hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường, DN cần phải có nguồn vốn lớn, nhưng với lãi suất như vậy thì lợi nhuận khó bù đắp cho vốn vay.

Do vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các DN, đặc biệt là hạ lãi suất vốn vay. Ông Đỗ Bình - GĐ Cty CP Sao Á Đông - cho biết khó khăn nhất của các DN Việt Nam xuất khẩu là thị trường, hiện phần lớn các DN đang phải “tự bơi” để tìm thị trường nên không có bài bản và hiệu quả. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, đặc biệt là xúc tiến thương mại qua kênh các phòng thương mại của các Đại sứ quán đang đóng tại Việt Nam để họ hỗ trợ.

Nhận định về sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế năm 2018, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng 2 năm qua Chính phủ đã quyết tâm và tự tin thực hiện việc xây dựng Chính phủ minh bạch, kiến tạo qua đó đã tạo ra được một sức mạnh. Cùng đó, sự điều hành của Chính phủ đang đi đúng hướng, qua đó thấy rằng những chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra đã được kiểm soát và đạt được kết quả đề ra.

Từ đó tạo ra được sự cạnh tranh giữa các địa phương, bộ ngành trong việc phát triển kinh tế của địa phương. “Sự phát triển kinh tế của năm 2018 là sự đóng góp tổng hợp của tất cả mọi lĩnh vực và không chỉ ở các đầu tàu như Hà Nội và TPHCM mà nó còn lan toả đến các địa phương. Qua đó chúng ta có thể tự tin rằng với sự thành công của 2 năm qua, năm 2018 với thông điệp của Chính phủ là “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả” chúng ta có đủ khả năng để đạt được mục tiêu do Quốc hội thông qua với mục tiêu đề ra” - ông Ngân nhấn mạnh.

Theo báo Lao Động