Tăng trưởng kinh tế quý 1 kỳ vọng sẽ khả quan với sự hồi phục nhanh
“Cùng với việc triển khai đồng bộ các chính sách, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, tình hình kinh tế-xã hội trong quý 1 có thể tin tưởng sẽ khả quan với sự hồi phục nhanh, từ đó tạo đà cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022,” bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê trao đổi với báo VietnamPlus.
Xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại
Theo bà Ngọc, tình hình kinh tế-xã hội trong hai tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại, thông qua thích ứng an toàn và linh hoạt với dịch bệnh. Trên thị trường, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, CPI bình quân 2 tháng tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Trong nền kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Hai tăng trở lại với mức trên 8% so cùng kỳ năm trước và tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số này đã tăng 5%; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 6%.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đã đạt 108 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 54 tỷ USD, tăng 10% và kim ngạch nhập khẩu đạt 55 tỷ USD, tăng 16% (chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất, chiếm đến 94% tổng kim ngạch). Mặt khác, số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của hai tháng đạt gần 43.000 doanh nghiệp, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Ngọc, đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022.
“Thời gian qua, các giải pháp, chính sách điều hành của Chính phủ đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng doanh nghiệp vào khả năng phục hồi, phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới,” bà Ngọc nhấn mạnh.
Cùng với đó, kết quả triển khai vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong hai tháng qua ước đạt 9% so với kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu thống kê cũng cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, trong đó vốn đăng ký điều chỉnh tăng cao (cụ thể tăng 124%).
“Điều này minh chứng việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam và mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội được triển khai thực hiện,” bà Ngọc cho hay.
Áp lực từ chi phí đầu vào
Tuy nhiên, bà Ngọc lưu ý diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, khó lường, số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày trong cộng đồng có xu hướng tăng ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội. Thêm vào đó, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong tháng đã gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi ở các tỉnh phía Bắc. Hiện giá thức ăn chăn nuôi, giá phân bón và nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao; đặc biệt giá xăng, giá dầu liên tục “leo thang” đã gây áp lực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Do đó, tình hình sản xuất kinh doanh chưa thể phục hồi như trước, bởi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Tại một số địa phương lớn, chỉ số sản xuất công nghiệp của hai tháng ghi nhận mức tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, như Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 2,1%; Long An tăng 1,1%; Bắc Ninh tăng 0,1%; Tiền Giang giảm 0,1%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 2,6% và Hà Tĩnh giảm 11,5%.
Trên cơ sở đó, bà Ngọc đưa ra một số kiến nghị nhằm kịp thời khắc phục khó khăn đồng thời chủ động khai thác các cơ hội để đạt được kết quả phát triển kinh tế-xã hội cao nhất trong các tháng tiếp theo của năm 2022.
Thứ nhất, các địa phương cần tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19 để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, các chính sách cho phép nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị phải bảo đảm công khai, minh bạch, chống đầu cơ, tiêu cực.
Về đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất các ngành công nghiệp, bà Ngọc cho rằng các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường xăng, dầu thế giới để có các giải pháp bảo đảm cung cầu xăng, dầu trong nước đồng thời hạn chế mức tăng giá; đặc biệt cần có phương án, giải pháp cung cấp, cân đối hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong điều kiện các nguồn cung truyền thống có thể bị suy giảm. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cần có các chính sách phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, thông qua việc nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan tại các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Để làm được những điều này, việc hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh cần phải nhanh chóng triển khai, cụ thể là chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Ngoài ra, lộ trình mở cửa hoạt động du lịch cần sớm triển khai song phải bảo đảm tính tổng thể, nhất quán, như xây dựng các bộ công cụ hướng dẫn về thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài một cách rõ ràng và công bố công khai để doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện.
“Một môi trường kinh doanh ổn định sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, các công cụ chính sách tiền tệ cần được sử dụng, điều hành linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, từ đó góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Đáng lưu ý, các ngân hàng vẫn phải chú trọng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư tiềm ẩn rủi ro,” bà Ngọc nói./.