Kinh tế tư nhân thích nghi cuộc chơi mới của toàn cầu: Chậm 1 ngày, nguy cơ mất ngay 3 ngày cơ hội

Trang Mai 09:47 | 17/03/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 60% GDP và 98% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, dù đạt được nhiều thành tựu, khu vực này vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó nổi bật là việc thiếu chiến lược phát triển dài hạn và những khó khăn trong tiếp cận vốn và tài chính.

Thời đại 'sao đổi ngôi' của kinh tế tư nhân

Chia sẻ tại sự kiện “Kinh tế tư nhân Việt Nam giai đoạn bứt phá 2025 – 2030” được tổ chức ngày 15/3 tại Hà Nội, các chuyên gia cho biết, qua gần 40 năm đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay.

Một số doanh nghiệp tư nhân đã phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Lực lượng doanh nghiệp này đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn lịch sử. 40 năm qua, kinh tế tư nhân đã ở giai đoạn tích nén để đến bước chuyển đổi cùng thời đại. Thời điểm này, sự bứt phá của khu vực kinh tế tư nhân là câu chuyện vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là tuyên ngôn, mà là chương trình hành động cụ thể với lòng tin đặc biệt với thể chế để làm sao về chính sách, về cơ chế cho kinh tế tư nhân phải có những bước chuyển mới”.

Cũng theo vị này, thế giới đang ‘bất thường’ và Việt Nam cũng có những chuyển biển ‘khác thường’. Bối cảnh thế giới càng toàn cầu hóa cao càng khắc nghiệt trong câu chuyện cạnh tranh, xung đột. Trước biến động của thế giới, Việt Nam cũng đang chứng kiến một giai đoạn lịch sử đổi mới, chuẩn bị cho bước chuyển sang thời đại khác cùng với nhân loại.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh: Nhân dân. 

Bài toán vốn bây giờ sẽ là tiền triệu USD để đầu tư công nghệ

Với những đóng góp to lớn, có thể khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, khu vực kinh tế năng động nhất của nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản… Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; tư duy kinh doanh vẫn mang tính thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược.

Bên cạnh đó, dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, tuy nhiên, chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng; chưa có các dự án quy mô đủ lớn, nhất là trong các lĩnh vực mới, có tính dẫn dắt để tạo động lực bứt phá, lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái cho rằng doanh nghiệp đang “hốt hoảng” trước những biến động của kinh tế thế giới, bởi “chỉ cần chậm 1 ngày có nguy cơ mất ngay 3 ngày cơ hội”. Ông Đoàn nhìn nhận biến động của thị trường đang diễn ra quá nhanh và không thể lường trước hay dự báo được, đây là áp lực buộc doanh nghiệp phải thích nghi.

“Chúng ta phải xác định đây là một cuộc chơi mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của teamwork - của sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, toàn thể doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn bước ngoặt này. Cùng với những trang bị về cơ chế, chính sách, nguồn lực, vốn, công nghệ, thị trường…, hãy xây dựng cho mình những giá trị mềm để có thể tiến xa trong môi trường kinh doanh hiện nay”, ông Đoàn chia sẻ.

TS Đinh Minh, Chủ tịch sáng lập Hệ thống thế giới ẩm thực Miresto cho rằng nhân sự là nguồn lực lớn nhất nhưng cũng là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp và mỗi người lãnh đạo cần trở thành tấm gương trong hệ thống. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, giai đoạn này đã thấy nhiều tên tuổi tư nhân chiếm lĩnh thị trường bất động sản mạnh mẽ, đóng góp giá trị lớn vào phát triển hạ tầng, đô thị. Tuy nhiên, giai đoạn qua đã đo lường, cho thấy những khó khăn lớn, có các doanh nghiệp bất động sản phải rời thị trường.

“Các doanh nghiệp bất động sản vấp phải những khó khăn từ thể chế, tư duy, nhưng chúng tôi rất yên tâm vì Chính phủ, Quốc hội đã vào cuộc rất nhanh để tháo gỡ khó khăn này một cách quyết liệt, gấp rút, cụ thể cho từng vướng mắc”, ông Đính nhấn mạnh.

Còn theo bà Đinh Thị Hà, Giám đốc Công ty Thẩm định giá VNG Value, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn về vốn. “Doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Để đầu tư công nghệ, bài toán vốn bây giờ sẽ là tiền triệu USD, doanh nghiệp bắt buộc phải đi vay ngân hàng”, bà Hà cho biết. 

Theo vị này, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần những ưu đãi về chính sách cụ thể hơn. Chính sách giảm lãi suất khi thực hiện thực tế đang còn rất nhiều vướng mắc. Dù Nhà nước đề nghị các ngân hàng chia sẻ, giảm lãi suất cho người dân và doanh nghiệp nhưng phía các ngân hàng đưa ra rất nhiều tiêu chí và để đáp ứng được bộ tiêu chí đó cũng không hề dễ dàng. Vì vậy, sẽ cần đến thêm nỗ lực từ các bên liên quan để giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn thuận lợi hơn, phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Chiều 7/3 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Tại cuộc họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.

Tổng Bí thư chỉ ra rằng, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô, tiềm lực và năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong cạnh tranh quốc tế.

Tổng Bí thư lưu ý cần có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp với trình độ phát triển hiện nay của nền kinh tế và bối cảnh địa kinh tế, địa chính trị mới của đất nước. Ông nhấn mạnh việc xóa bỏ mọi nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ, định kiến về kinh tế tư nhân, đồng thời khuyến khích xây dựng tư duy công nghiệp, tư duy lớn và phong trào kinh doanh, khởi nghiệp trong toàn xã hội.

Tổng Bí thư cũng đề cập đến việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ các rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh quan điểm "người dân và doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm", nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn và chi phí thấp.

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa to lớn trong việc định hướng và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Những định hướng này nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.