(DNVN) - Đây là nhận định của phần lớn chuyên gia tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, được Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào sáng 15/3.
Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2018 có nhiều diễn biến, đan xen cả xu hướng tích cực và tiêu cực. Cụ thể, trong năm qua tăng trưởng kinh tế thế giới chững lại, ngoài Mỹ tăng 2,9%, các nước trong khu vực và trên thế giới hầu hết đều giảm. Kinh tế Nhật tăng trưởng chậm, chỉ đạt 0,9%, khu vực kinh tế ASEAN cũng giảm sút, đạt 5,2% so với năm 2017 là 5,3%...
Trong khi kinh tế thế giới có nhiều ảm đạm thì kinh tế trong nước năm 2018 có một số điểm tích cực. Đó là sự phát triển của nền kinh tế số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là cơ hội tốt cho Việt Nam khi chúng ta muốn bắt kịp với thế giới và các nước trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế trong nước đạt 7,08%, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, đạt 14,5%, nhiều cán cân vĩ mô cải thiện, xuất siêu đạt 72 tỷ USD, lạm phát kìm chế ở mức 3,6%, môi trường kinh doanh được quốc tế đánh giá cao. Khu vực FDI đạt 35,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những điểm sáng, theo ông Tuấn, bức tranh chung về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế trong nước vẫn có nhiều mảng tối, khiếm khuyết, mô hình tăng trưởng đang dần hết dư địa…Khu vực kinh tế tư nhân vốn được coi là khu vực kinh tế quan trọng, nhưng đóng góp thực của doanh nghiệp (DN) còn rất hạn chế. Ghi nhận chủ yếu là môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa được cải thiện một cách căn bản. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh tụt xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam 1 bậc xuống thứ 69/190 nước và vùng kinh tế; trong nước kinh doanh cá thể chiếm 31%, DN tư nhân chỉ đóng 8% GDP, phần đóng góp rất hạn chế..
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ: Nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Môi trường kinh doanh, lòng tin trong nước được phục hồi và cải thiện. Các động lực chủ yếu là sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, xuất khẩu và thặng dư thương mại tăng, tiêu dùng tư nhân, đầu tư tư nhân và FDI, nông nghiệp/thuỷ sản, dịch vụ nhất là du lịch đóng góp tích cực, tạo đà phát triển rõ nét. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều vấn đề đặt ra như nhiều chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá chủ yếu tăng trưởng về lượng, không đi liền với tăng trưởng về chất. Không ít DN phải ngừng hoạt động, đóng cửa. Chỉ số sử dụng lao động DN công nghiệp giảm....
Nhìn nhận về sự phát triển của kinh tế tư nhân trong thời gian qua, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Kinh tế tư nhân là lực lượng cứu Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng ở đầu thập niên 80 của thế kỷ trước nhưng sau đó khu vực kinh tế tư nhân chưa được tập trung phát triển. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược phát triển DN Việt đúng nghĩa. Cùng lắm, chúng ta mới quan tâm đến việc thành lập nhiều DN chứ chưa có cách tiếp cận phát triển lực lượng DN Việt.
Lý giải về vấn đề này, ông Thiên cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chậm phát triển là do nhận thức về kinh tế tư nhân chậm thay đổi, nặng tính thiên kiến, chủ quan; không định hướng phát triển các thị trường và các lực lượng thị trường đúng nghĩa. Ngoài ra, định hướng chiến lược phát triển các lực lượng thị trường sai lệch nghiêm trọng, phủ nhận nguyên lý cạnh tranh thông qua việc áp dụng các chính sách “phi thị trường”, “xin – cho”, bình quân, hay việc áp dụng quá lâu hệ thống khuyến khích ngược trong khi vẫn muốn phát triển kinh tế thị trường cũng là một trong những rào cản khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển.
Bên cạnh đó, theo ông Thiên, việc kéo dài ưu đãi “phi thị trường” quá lâu đối với khu vực FDI gây méo mó hệ thống ngày càng nghiêm trọng, nguyên lý xuyên suốt chiến lược thu hút FDI là lấy “ưu đãi” thay “thể chế tốt” cũng làm ảnh hưởng đến mô hình kinh tế. Chính tư duy chia đều, dàn hàng ngang lấn át cách tiếp cận theo chức năng: Cơ chế đầu tàu giống toa tàu và chiến lược “quả mít” thay nguyên lý “cực tăng trưởng” cũng là một trong những lý do khiến kinh tế tư nhân chậm phát triển.
Do đó, nhằm phát triển kinh tế tư nhân, ông Thiên đề xuất, phải coi việc phát triển các thị trường theo đúng nghĩa, coi phát triển kinh tế tư nhân là một nhiệm vụ ưu tiên chiến lược trong 5-7 năm tới. Ngoài ra, cấu trúc sở hữu cũng phải thay đổi, nghiêng về kinh tế tư nhân. Đây phải là lực lượng, động lực phát triển cơ bản của nền kinh tế thị trường và phải được áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng về tư cách, khác biệt về chức năng cơ cấu.
Còn dưới góc độ nhà quản lý, đại diện Trung tâm hỗ trợ DNVVN (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) kiến nghị: Các cơ quan cần tích cực thực hiện Nghị quyết 35, Nghị quyết 02/NQ-CP để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh công tác phổ biến, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư. Chính phủ và các bộ ngành cần tăng cường phối hợp, liên kết chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ, bộ, ban ngành và DN để lắng nghe và có những giải pháp tháo gỡ kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn cho DN.
Đồng thời, vị đại diện này cũng cho rằng, Chính phủ nên phấn đấu cắt giảm chi phí cho DN nhất là chi phí liên quan đến thủ tục hành chính. Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về khuyến khích khởi nghiệp, cơ chế chính sách thúc đẩy nhanh chóng việc hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân khi đã hội tụ đủ điều kiện. Cùng với đó, Nhà nước cần khuyến khích hỗ trợ và bảo lãnh để các doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện tham gia vào hợp tác sản xuất công nghiệp phụ trợ, làm nhà thầu chính trong liên doanh với đối tác nước ngoài