Kinh tế tuần hoàn chiến lược bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam

11:06 | 24/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế tuần hoàn đang là một trong những hướng đi để doanh nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên.
Tại hội thảo “Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 23/10, tại Hà Nội, các chuyên gia đã nhận định đây là xu hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn doanh nghiệp Việt Nam.
 

Xu thế phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam.


Kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biễn ngày một phức tạp như hiện nay. Đây là xu thế tất yếu và là nội dung đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển
 
Kinh tế tuần hoàn chiến lược bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam - ảnh 1
 
Tại hội nghị ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ: Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt. Bởi, kinh tế tuần hoàn đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, và đem lại lợi ích xã hội.
 
Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Nguyễn Quang Vinh nhận định, tính chất quan trọng của kinh tế tuần hoàn là giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế gắn với môi trường. Việc chuyển đổi còn giúp bảo vệ an ninh nguồn cung nguyên liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tạo ra các cơ hội việc làm mới.
 
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy các cách tiếp cận phát triển kinh tế tuần hoàn rất đa dạng với nhiều giải pháp đã đem lại hiệu quả. Đơn cử, toàn khối EU đã đưa ra kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn từ năm 2015 thay thế cho Đề xuất lập pháp về vấn đề chất thải - sự thay đổi về mặt triết lý. Theo đó, kinh tế tuần hoàn không chỉ là vấn đề chất thải mà cần tiếp cận thực hiện 4 khâu/giai đoạn của vòng đời sản phẩm, bao gồm sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, và biến chất thải trở lại thành tài nguyên.
 
Tại Pháp, Chính phủ đã bắt đầu xây dựng lộ trình kinh tế tuần hoàn từ năm 2017, với mục tiêu đến năm 2025 giảm một nửa lượng chất thải phải chôn lấp và tái chế 100% lượng rác thải nhựa.
Trước đó, tại Đan Mạch, từ năm 1961 đã xuất hiện mô hình “cộng sinh công nghiệp”, với khu công nghiệp Kalundborg giúp tận dụng năng lượng và vật liệu.
 
Theo ước tính thực tế tại Châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính
 

Cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.


Tại Việt Nam, cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn là rất lớn. Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hướng đến Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó dưới áp lực của việc thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn nên nhu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được sự đồng thuận cao và ủng hộ của xã hội.
 
Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế mạnh mẽ, đặt biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hầu hết, các Hiệp định này, đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
 
Kinh tế tuần hoàn chiến lược bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam - ảnh 2
 
Trong phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình khu công nghiệp sinh thái được đặt ra như một yêu cầu tất yếu bởi một khu công nghiệp tái chế nước thải để sử dụng lại cho sản xuất có thể giảm được tới 40% lượng nước thải vào môi trường, cũng như giảm chi phí nước sạch đầu vào. Bên cạnh đó, cơ hội tận thu nhiệt thải để sản xuất nước nóng và hơi cấp cho các nhà máy trong khu công nghiệp có tiềm năng giảm sử dụng 20-40% nhiên liệu đốt của một số doanh nghiệp.
 
Theo ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mô hình khu công nghiệp sinh thái đặt vấn đề môi trường cao hơn. Đơn cử, tỉ lệ cây xanh và giao thông phải đạt 25% thay cho tỉ lệ 20% ở khu công nghiệp bình thường.
 
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, bà Lê Thị Ngọc Mỹ đã chia sẻ một số kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn, tạo ra những giá trị bền vững cho môi trường trong quá trình sản xuất và hoạt động.
 
Tại hội thảo, đại diện Heineken chia sẻ mô hình kinh tế tuần hoàn Resolve, hiện 5/6 nhà máy của Heineken đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo với việc chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu sinh khối và thu mua gần 40.000 tấn vỏ trấu và các phế, phụ phẩm nông nghiệp; cắt giảm hơn 2.000 tấn khí thải Co2; không còn chất thải chôn lấp nhờ tài sử dụng và tái chế tới 99% chất thải hoặc phụ phẩm trong sản xuất…
 
Tuy nhiên, để phát triển rộng khắp mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn nhiều thách thức. Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, việc tái sử dụng và tái chế chưa triệt để, công nghệ còn cũ và lạc hậu, mới chỉ chú trọng kinh tế, vì thế một số mô hình tái chế chất thải nhưng lại chính là nguồn phát sinh chất thải. Các doanh nghiệp sản xuất chưa phải là một vòng đầy đủ của kinh tế tuần hoàn, đặc biệt khâu thiết kế trong sản xuất chưa được chú ý.
 

Những mô hình kinh tế tuần hoàn đã áp dụng tại Việt Nam


Tại Việt Nam, thời gian qua, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tập trung triển khai. 
 
Trong số đó, có thể kể đến sự ra đời Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), với các thành viên sáng lập là các doanh nghiệp FDI và nội địa. Với biên bản ghi nhớ ký kết cùng Bộ Tài nguyên Môi trường, PRO Việt Nam được thành lập nhằm chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các hoạt động giảm thiểu phân loại, thu gom, tái chế chất thải. 
 
Hay dự án PAN (Plastic Action Network) - Mạng lưới hành động về rác thải nhựa nhằm thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp địa phương, thanh niên và phụ nữ để thực hiện Tiết Giảm - Tái sử dụng - Tái chế rác thải nhựa trong nước. Trong khi đó, sáng kiến “Thúc đẩy Sáng tạo vì một thế giới không rác thải” và dự án “Quản lý rác thải vì một thế giới không rác thải” lại tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế rác…Được biết, những sáng kiến trên là nỗ lực thuộc chiến dịch “Vì một thế giới không rác thải” của Coca-Cola khi theo đuổi mô hình phát triển bền vững với định hướng kinh tế tuần hoàn. Hơn 25 năm phát triển tại Việt Nam, COCA-COLA đã tích cực đầu tư vào các sáng kiến bền vững, tiêu biểu với chiến dịch “Vì một thế giới không rác thải” được triển khai từ năm 2018 cùng lời cam kết đến năm 2030, thu gom và tái chế tương đương 100% bao bì được bán ra trên toàn cầu, sử dụng ít nhất 50% nguyên liệu tái chế trong sản xuất các lon, chai của sản phẩm, đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức để nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa.
 
Hay Saigon Co.op đã tiên phong loại bỏ ống hút nhựa trên quầy kệ từ năm 2019, còn Nestlé Việt Nam thì loại bỏ ống hút nhựa trên các sản phẩm sữa như Nestlé MILO Bữa sáng và sữa Nestlé Nesvita 5 loại Đậu. Công ty LaVie cũng cho biết đã ngưng sử dụng màng co nắp chai để giảm rác thải và chuyển màu chai sang trắng trong để đơn giản hóa quá trình tái chế...
 
Haniken đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vừa thúc đẩy phát triển bền vững, vừa tạo ra nhiều giá trị thiết thực. Mô hình kinh tế tuần hoàn theo định nghĩa của Heineken, không chỉ giảm rác thải mà còn cho phép rác thải có một vòng đời khác, tức tạo ra những giá trị mới từ rác. Rác thải sẽ tiến đến giai đoạn không cần chôn lấp, thay vào đó, gần 99% phế thải, phụ phẩm sẽ được tái chế. Sáng kiến tái chế nắp chai bia Tiger thành cây cầu tại An Giang là một hình thức áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình tại Việt Nam.
 
Việt Nam là nước đang phát triển nhưng phần lớn các công nghệ đều lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ cho nên khó tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để giảm thấp nhất các rủi ro hoặc thay đổi nguyên liệu như mong muốn. Nước ta hiện chưa có đủ hành lang pháp lý cho phát triển KTTH dễ dẫn đến một nền KTTH mang tính tự phát và manh mún. 
 

Kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế phát triển tất yếu trên thế giới hướng tới phát triển bền vững, bởi nền kinh tế này đạt được 3 mục tiêu: Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào;  Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra; Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nền kinh tế tuần hoàn còn mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm. Theo Cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc, đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn có thể đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (LHQ).

 
Nguyễn Dung(t/h)