Kinh tế Việt Nam 2019, tỏa sáng và trăn trở
(DNVN) - Trong khi kinh tế toàn cầu bị bao phủ bởi một màu mây xám, kinh tế Việt Nam trong năm 2019 vẫn tiếp tục tỏa sáng.
Năm 2019, kinh tế toàn cầu bị bao phủ bởi một màu mây xám. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc, theo ước tính của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính đến tháng 10/2019 chỉ đạt 3,0% so với 3,6% cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, dòng luân chuyển thương mại và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng giảm.
Tuy nhiên, trong màn mây màu xám đó, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam trong năm 2019 đã tỏa sáng. GDP năm 2019 tăng hơn 7,0%, thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực với động lực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,3%) và dịch vụ (tăng 8,1%) nhất là du lịch phân phối 8,8%.
Nhìn phía tổng cầu, tăng trưởng được dẫn dắt bởi cả tiêu dùng, đầu tư tư nhân và xuất khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, loại trừ yếu tố giá, tăng 9,2% (năm 2018 tăng 8,4%). Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,2% so với năm 2018, nổi bật là khu vực kinh tế tư nhân (tăng 17,3%; chiếm tỷ trọng 46%, lớn nhất từ trước tới nay). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giữ đà phát triển, thực hiện ước đạt 20,4 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 263 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước, đặc biệt ghi nhận sự bứt tốc xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước với tốc độ tăng 17,7%, cao hơn nhiều với tốc độ tăng của khu vực FDI (4,2%). Xuất siêu hàng hóa đạt 9,9 tỷ USD, cao nhất trong 4 năm liên tiếp cán cân thương mại hoàng hóa thặng dư.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP cao lại song hành cùng sự ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát tính theo chỉ số CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh vượt 75 tỷ USD, tỷ lệ nợ công giảm mạnh, các cân đối vĩ mô như đầu tư – tiết kiệm, thu -chi ngân sách, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.
Điều quan trọng nhất là thu nhập người dân tiếp tục được tăng lên, đạt gần 2.800 USD/đầu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%, được Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP nhìn nhận như một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo. Cũng theo tổ chức này, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số Phát triển con người HDI cao nhất trên thế giới. Với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao.
Tuy nhiên, theo T.S Võ Trí Thành, đằng sau kết quả, những con số ấn tượng, cùng việc tiến bộ trên nhiều khía cạnh kinh tế khác, vẫn còn đó là những trăn trở, day dứt từ góc nhìn phát triển bền vững, thúc đẩy cải cách, đổi mới sáng tạo và cảm nhận thị trường.
Cụ thể, dưới tác động của hoạt động kinh tế, đô thị hóa và cả ý thức, lối sống chưa theo kịp với những đòi hỏi mới của phát triển bền vững, ô nhiễm môi trường, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đang trở thành nỗi ám ảnh, lo ngại thường trực hằng ngày, chưa kể tới vấn nạn ách tắc giao thông. Phong trào chung tay bảo vệ môi trường như hạn chế rác thải nhựa… được đề cao. Nhưng, những sự cố môi trường nghiêm trọng đã xảy ra. Điều này chứng tỏ việc giải quyết các vấn đề, cả về chiến lược tổng thế, chính sách và hành động còn không ít điểm nghẽn.
Mặc dù trong năm 2019, Việt nam tiếp tục được xem như một điểm hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 4.0 đã tăng 10 bậc so với năm 2018. Các doanh nghiệp thành lập mới lên tới hơn 138 nghìn, tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động. Song nhiều nội dung cải cách có tính nền tảng triển khai với kết quả còn khá xa so với kỳ vọng. Tiến trình tái cấu trúc có những bước tiến nhất định, nhất là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhưng lại chậm trễ trong đầu tư công và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, chất lượng tăng trưởng cũng chậm cải thiện dù năng suất lao động trong năm 2019 đã tăng 6,2%
Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá ở ngưỡng thấp nhấp, ngưỡng “quốc gia sơ khởi”, trong sẵn sàng đối với CMCN4.0, xét trong 4 thứ hạng là: dẫn đầu; có tiềm năng cao; kế thừa; sơ khởi. Do đó, còn xa Việt Nam mới có thể hài lòng về việc phát huy và nâng cao năng lực sáng tạo của mình.
Theo TS. Thành, có một nguyên nhân ở đây là thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là người đứng đầu. Nguyên nhân nữa là trong một thời gian dài cho tới nay, Việt Nam chưa xem doanh nghiệp gắn bó với nghiên cứu phát triển sản phẩm là hạt nhân của Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ Enterprise, hiện có 76% doanh nghiệp Việt Nam chưa bắt đầu chuyển đổi số, con số này lớn gấp 1,5 lần so với thế giới.
Từ đó, TS. Thành nhấn mạnh, dù có rất nhiều nguyên nhân như bối cảnh bất định, các vấn đề về pháp lý và chính sách, tính đầy đủ thông tin, chế tài thực thi… Nhưng có một lý do căn cơ, đó là niềm tin chưa đủ cao vào sự đồng bộ và hiệu quả trong cách thức xử lý ba vấn đề: bức xúc xã hội và chống tham nhũng; cải cách cùng tạo sự “trôi chảy” hoạt động bộ máy nhà nước; tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới sáng tạo, đột phá phát triển.
Vì vậy, năm 2020 không chỉ là năm tổng kết quá khứ mà còn chuẩn bị tương lai với Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và tầm nhìn 2045. Do đó, cải cách, sáng tạo và cả chi tiêu phải thực sự gắn với động lực mới và những đòi hỏi thay đổi về chất trong phát triển: chất lượng – hiệu quả - bền vững – bao trùm.