Các tổ chức quốc tế dự báo ra sao về tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay?
Tại cuộc họp báo gần đây, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều triển vọng sáng. Số liệu mới nhất mà Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước đạt 7,72% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tốc độ tăng cao nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021, tất nhiên do so sánh với nền tăng trưởng sụt giảm trong năm 2021 - thời điểm nước ta chịu tác động nặng nề từ làn sóng bùng phát đại dịch COVID-19.
“Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 6 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống 2,9%, tuy nhiên riêng Việt Nam, World Bank lại nâng dự báo tăng trưởng từ 5,5% hồi tháng 1 lên 5,8%”, ông Lê Trung Hiếu viện dẫn dự phóng kinh tế gần đây của WB.
Thực tế, mặc dù các tổ chức kinh tế quốc tế gần đây liên tục hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu, dự báo cho Việt Nam đến nay nhìn chung vẫn ở mức tương đối lạc quan.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,8% trong năm 2022, cao hơn so với dự kiến tăng trưởng của Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
Theo cơ quan này, Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu tiêu dùng. Thực tế, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 471,8 nghìn tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% so cùng kỳ năm 2021. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo dữ liệu từ IHS Markit đã tăng vọt từ 51,7 điểm trong tháng 4 lên 54,7 điểm trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua và tiếp tục ghi nhận mức cao 54 điểm trong tháng 6, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của ngành này.
Hết 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI đạt gần 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, giúp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng từ đầu năm tính đến 20/6 đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước (5,47%); tương đương đã có hơn 880.000 tỷ đồng được bơm thêm ra thị trường.
Lạc quan hơn một chút so với WB, tại báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 4/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 đạt mức 6%.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt 6,5% khi nền kinh tế dần phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt hơn, mở rộng thương mại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ.
ADB nhận định chính sách mở cửa trở lại du lịch của chính phủ được thực hiện vào tháng 3 và dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, với dự báo lĩnh vực này tăng trưởng 5,5% và đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2022. Đồng thời, xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tăng 8% -10% trong năm 2022. Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và các yếu tố đầu vào sản xuất tăng, trong khi tiêu dùng trong nước cũng phục hồi. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ hỗ trợ thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm 2022.
Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cũng đưa ra dự báo lạc quan rằng tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt 6,5%, cùng với Philippines dẫn đầu tăng trưởng khu vực ASEAN. Tương tự, Deutsche Bank và Oxford Economics cũng đưa ra con số dự phóng tăng trưởng 6,5% đầy triển vọng, cho thấy khả năng Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đặt ra cho năm nay.
Lạc quan hơn nữa, dựa trên kết quả tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong quý II/2022, Ngân hàng UOB (Singapore) vào cuối tháng 6 đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam từ mức 6,5% trước đó lên 7%. Dự báo này đi kèm hai giả định: không có thêm sự gián đoạn nào do COVID-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm đạt khoảng 7,6 -7,8%.
Như vậy, hầu hết các dự phóng GDP Việt Nam năm nay mà các tổ chức kinh tế quốc tế cập nhật gần đây đều cho thấy khả năng Việt Nam đạt hoặc vượt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Trả lời trên Báo Điện tử Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho hay nhìn vào kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022, nước ta đã có mức tăng trưởng khá cao kể từ quý I/2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện và làm sụt giảm tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, nền kinh tế quý II đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây, đạt 7,72% với tốc độ tăng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ lần lượt là 3,02%, 8,87% và 8,56%.
Phân tích kỹ hơn, trong tổng số 7,72% GDP quý II, đóng góp của khu vực dịch vụ khá cao với tốc độ tăng trưởng 8,56%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 trở lại đây, cao hơn quý II năm 2016 (là quý có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2) gần 1 điểm phần trăm và đóng góp 3,89 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Lý do khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao như vậy do các ngành dịch vụ mà chủ yếu là dịch vụ thị trường hồi phục mạnh mẽ khi dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt, mọi hoạt động trong đời sống xã hội diễn ra bình thường như trước đại dịch, du lịch trong nước và quốc tế khởi sắc.
Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao 2 con số trong quý II/2022 như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,92%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,7%; nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 14%; hoạt động dịch vụ khác tăng 16,6%...
Theo bà Nguyễn Thị Hương, nếu tập trung triển khai tốt những giải pháp trọng tâm đã đề ra, cùng với tác động của gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, tiếp đà phát triển quý II, tốc độ tăng trưởng quý III/2022 nhiều khả năng đạt cao. Nếu quý IV/2022 không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra từ 6-6,5%.
Tương tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu khẳng định: “Những tín hiệu tốt của tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự phục hồi rất lớn của ngành dịch vụ cũng như toàn nền kinh tế… Với mức tăng trưởng 6,42% trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đang sơ bộ cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Chúng tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% theo phương án tăng trưởng cao mà Quốc hội giao năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được".