Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động: Agribank 'chơi lớn' sau 4 năm
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa có thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ tháng 7/2022.
Trong biểu lãi suất mới, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này vẫn nhận lãi suất 0,1%/năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng hưởng lãi suất 3,1%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng hưởng lãi 3,4%/năm và kỳ hạn 6-11 tháng nhận lãi suất 4%/năm.
Tuy nhiên, từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, các khách hàng gửi tiền tại Agribank sẽ được hưởng lãi suất 5,6%/năm, cao hơn 0,1 điểm % so với trước đó. Đây hiện là mức lãi suất tối đa khách hàng cá nhân gửi tiền tại Agribank có thể nhận được.
Đáng chú ý, đây là lần thay đổi lãi suất huy động đầu tiên của ngân hàng này kể từ tháng 9/2021 đến nay; cũng là lần tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên đầu tiên của Agribank trong gần 4 năm qua. Lần gần nhất nhà băng này tăng lãi suất tiền gửi cá nhân kỳ hạn 12 tháng trở lên đã diễn ra từ tháng 9/2018. Khi đó, Agribank nâng mức lãi suất này từ mức 6,6%/năm lên 6,8%/năm.
Sau giai đoạn này, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên của Agribank liên tục giữ xu hướng giảm và duy trì ở vùng thấp nhất 5,5%/năm suốt từ tháng 9/2021 đến nay.
Với động thái tăng lãi suất kể trên, Agribank trở thành ngân hàng quốc doanh thứ 2 trong hệ thống tăng lãi suất huy động trong năm 2022. Trước đó, BIDV cũng có đợt tăng lãi suất tiền gửi cá nhân lần đầu kể từ tháng 7/2019. Hiện, biểu lãi suất huy động các kỳ hạn tại Agribank đều tương đương BIDV.
BIDV giữ nguyên lãi suất huy động với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Trong khi ngân hàng đã điều chỉnh tăng 0,1 điểm % lãi suất ở tất cả các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cố định ở mức 5,6%/năm.
Động thái tăng lãi suất huy động của BIDV, Agribank diễn ra sau khi mặt bằng lãi suất của các ngân hàng tư nhân đã tăng liên tục kể từ cuối năm 2021 đến nay.
Trong khi đó, ngân hàng có lãi suất tiết kiệm thấp nhất chính là Vietcombank, với khung lãi suất đang áp dụng từ 3%/năm đến 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng, không đổi so với tháng trước. Mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang triển khai là 5,5%/năm, áp dụng cho tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng.
VietinBank vẫn tiếp tục duy trì lãi suất từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm trong nhiều tháng liền không đổi. Khách hàng có thể đăng ký gửi tiết kiệm tại VietinBank tại nhiều kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng và từ 36 tháng trở lên. Theo đó mức lãi suất ngân hàng cao nhất mà khách hàng có thể được hưởng tại đây là 5,6%/năm, áp dụng với tất cả khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Agribank không phải ngân hàng duy nhất tăng lãi suất tiền gửi của nhóm khách hàng cá nhân. Theo đó, cả ACB và TPBank cũng đã có động thái tương tự.
Cụ thể, ACB đã áp dụng biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân mới với việc tăng kịch trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, ở mức 4%/năm. So với tháng trước, lãi suất các kỳ hạn này đã tăng 0,6-0,9 điểm %/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, khách hàng gửi tiền tại ACB tháng trước chỉ được hưởng lãi suất 4,5-4,6%/năm, nhưng đến tháng này gửi đã được hưởng lãi 5,3-5,8%/năm, tương đương mức tăng 0,8-1,2 điểm %.
Ở kỳ hạn 12 tháng, ACB chấp nhận chi trả mức lãi suất 5,7-6%/năm tùy hạn mức, cao hơn nhiều so với mức 5,1%/năm áp dụng cố định trước đó. Hiện lãi suất tối đa ACB áp dụng với tiền gửi cá nhân tại quầy là 6,2%/năm, áp dụng với kỳ hạn gửi trên 13 tháng, cao hơn 0,4 điểm % so với tháng trước.
Tương tự, TPBank sau nhiều tháng không điều chỉnh biểu lãi suất huy động cá nhân đến tháng 7 này cũng tăng 0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn, áp dụng với cả hình thức tại quầy và online. Hiện lãi suất tối đa nhà băng này niêm yết với các khoản tiền gửi tại quầy của khách hàng cá nhân là 6,2%/năm.
Tổng kết hoạt động ngân hàng nửa đầu năm nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Theo số liệu mới được Tổng Cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 20/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97%. Mặc dù huy động vốn tăng nhanh hơn so với cùng kỳ (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%) nhưng vẫn còn chậm hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng.
Đến ngày 20/6/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với mức đạt được cùng kỳ năm ngoái (5,47%) và gấp 2,14 lần tốc độ huy động vốn trên toàn hệ thống.
Số liệu mới nhất về huy động vốn của hệ thống TCTD cũng cho thấy có dấu hiệu tăng chậm lại vài tháng trở lại đây dù đã ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong quý I. Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng đầu năm 2022, tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đã tăng 3,59%, tương đương tăng gần 400.000 tỷ đồng lên hơn 11,33 triệu tỷ đồng.