Kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức
16:17 | 19/04/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Diễn biến kinh tế vĩ mô của nước ta từ nay đến cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài, bao gồm rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng; căng thẳng thương mại trong khu vực; hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP.
Đây là nhận định được Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định” được tổ chức tại Hà Nội vào sáng 19/4.
Sau những kết quả kinh tế-xã hội khá ấn tượng trong năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019. Theo số liệu được CIEM đưa ra, trong 3 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018, song vẫn cao hơn cùng kỳ nhiều năm từ 2009-2017. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 10,8 tỷ USD trong quý I, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ những năm gần đây. Kết quả cập nhật dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của nước ta ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm khoảng 3,71%.
Chia sẻ thêm về tình hình kinh tế Việt Nam trong quý I/2019, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM cho biết, Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu nước ta đạt 58,86%, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu của nước ta đã được mở rộng khi gia nhập CPTPP, nhưng chúng ta chưa tận dụng được cơ hội. Một phần lý do là các doanh nghiệp của Việt Nam chưa đáp ứng được về chất lượng sản phẩm, khi đòi hỏi của thị trường các nước trong khu vực này rất cao. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” và tiếp cận thông tin.
Còn CPI bình quân tăng 2,63%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83% cho thấy, điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định trong quý I/2019, chủ yếu do một số ngân hàng thương mại lớn có xu hướng giảm lãi suất huy động hoặc duy trì lãi suất huy động thấp; thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào trong khi giải ngân tín dụng chưa tăng mạnh và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố không tăng lãi suất trong năm.
Về tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018 và 10,99% so với cuối quý I/2018. Dư nợ tín dụng đến 20/3 tăng khoảng 2,28%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018; chịu ảnh hưởng của một số nguyên nhân là do kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tập trung tín dụng cho sản xuất; chủ trương đẩy lùi tín dụng đen và lộ trình cắt giảm tín dụng ngoại tệ để chống đô la hóa trong năm 2019. Xử lý nợ xấu có thêm chuyển biến....
Cổ phần hóa DNNN vẫn còn gặp khó khăn trong việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng; chất lượng cổ phần hóa chưa có dấu hiệu cải thiện; thực hiện quy định và chính sách cổ phần hóa vẫn còn vướng mắc, nhất là xử lý vấn đề đất đai, xử lý tài chính; trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch cổ phần hóa; thực thi kỷ luật hành chính chưa nghiêm và cơ chế xử lý vi phạm không rõ ràng; thay đổi thể chế, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước có tác động đến tiến độ cổ phần hóa DNNN.
Diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II-IV/2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài, bao gồm rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng; căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt; nhu cầu phê chuẩn sớm EVFTA có thể giảm bớt; hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP; và thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị.
Vì vậy, theo ông Dương, Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện. Ngay cả với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các hướng dẫn và sửa đổi luật còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều.
“Hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế-xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, hậu đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Đây là một vấn đề được phản ánh, thể hiện ở điều kiện kinh doanh còn nhiều rào cản. Những rủi ro về chính sách cũng là rào cản đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, những chính sách thay đổi liên tục làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn. Vấn đề về minh bạch thông tin cũng là một trở ngại đối với doanh nghiệp”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện nghiên cứu, quản lý trung ương cho biết thêm.
Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,6-6,8%, hướng tới hoàn thành mục tiêu cho cả giai đoạn 2016-2020, Việt Nam vẫn phải xử lý nhiều thách thức, chủ yếu về nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại. Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có cơ chế đặc thù đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trong đó tập trung vào hệ sinh thái hoàn chỉnh; xây dựng nền tảng hạ tầng; ưu đãi, khuyến khích và có thể chế đặc thù để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cần có bộ máy điều phối khác biệt với chất lượng cao.