KQKD ngành chứng khoán quý II/2025: Hơn 20 đơn vị đã công bố, FPTS và KB Việt Nam sụt giảm lợi nhuận

Xuân Nghĩa 09:03 | 18/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến 8h ngày 18/7, đã có 21 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý II, ghi nhận sự phân hóa rõ nét về lợi nhuận khi nhiều đơn vị tăng trưởng mạnh, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp thua lỗ hoặc đi lùi đáng kể.

Chứng khoán FPT (FPTS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt 61 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đánh giá lại tài sản tài chính, đặc biệt là khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH (May Sông Hồng). Bên cạnh đó, tổng chi phí tăng 32% do chi phí lãi vay tăng.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng báo lãi giảm mạnh với lợi nhuận sau thuế quý II ở mức 51 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Theo công ty, thanh khoản thị trường thấp khiến doanh thu từ môi giới, đầu tư HTM và kinh doanh giấy tờ có giá đều suy giảm. Doanh thu hoạt động giảm 14%.

Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) báo lãi quý II gấp 3,7 lần cùng kỳ, nhờ doanh thu hoạt động đạt hơn 60 tỷ đồng, tăng 22%. Doanh thu tăng trải đều ở các mảng chính, đặc biệt là cho vay và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).

Chứng khoán Đại Việt (DVSC) và Chứng khoán Apec (APS) gia nhập nhóm công ty báo lỗ quý II, lần lượt lỗ sau thuế 2 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.

Riêng với APS, đây là quý thua lỗ thứ ba liên tiếp, đưa lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6 vượt 75 tỷ đồng. Công ty cho biết thị trường tài chính biến động mạnh, các khoản đầu tư tài chính bị đánh giá giảm 74% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu hoạt động giảm 71%, xuống còn 44,5 tỷ đồng.

KQKD quý II và 6 tháng đầu năm của một số CTCK. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

 

 

Chứng khoán DSC ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt 45 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Doanh thu hoạt động đạt 126 tỷ đồng, tăng 12%, chủ yếu đến từ tự doanh, cho vay và tư vấn; trong khi mảng môi giới giảm 27%.

Chi phí hoạt động giảm mạnh còn 29 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ, giúp lợi nhuận tăng bất chấp chi phí lãi vay và chi phí quản lý tăng. Lũy kế 6 tháng, DSC báo lãi 98 tỷ đồng, tăng 25%.

Chứng khoán Stanley Brothers (SBSI) là đơn vị thứ ba trong ngành báo lỗ quý II, với mức lỗ 161 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu do không có doanh thu từ tự doanh, trong khi cùng kỳ đạt 5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, công ty lỗ 3,4 tỷ đồng.

Chứng khoán Bảo Minh (BMSC) báo lợi nhuận sau thuế quý II hơn 62 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ quý II/2023. Doanh thu đạt 143 tỷ đồng, gần gấp 3 lần cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động gấp đôi. Mảng tự doanh đóng vai trò chính khi lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) gấp 5 lần, đạt 127 tỷ đồng.

Chứng khoán PineTree ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt 18 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. Doanh thu đi lên nhờ lãi từ FVTPL gấp 5 lần và đầu tư HTM tăng 64%.

Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (GTJA - IVS) báo lãi sau thuế quý II đạt 9 tỷ đồng, tăng 83%. Doanh thu tăng 45% nhờ lãi từ các khoản đầu tư HTM và mảng cho vay, trong khi tổng chi phí tăng 31%.

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) là doanh nghiệp báo lãi lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Doanh thu hoạt động quý II đạt 2.660 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 9% và là mức cao nhất kể từ đầu năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCBS lãi sau thuế 2.431 tỷ đồng, tăng 9%.

Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 792 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, chủ yếu do hoạt động tự doanh không thuận lợi khi lãi FVTPL chỉ đạt 173 tỷ đồng, giảm một nửa. Trong khi đó, doanh thu môi giới tăng 7% lên 192 tỷ đồng và lãi từ cho vay, phải thu tăng 18% lên 309 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 221 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ nhưng giảm 18% so với quý I. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu hoạt động đạt 1.461 tỷ đồng (giảm 6%), lợi nhuận trước thuế đạt 611 tỷ đồng (tăng 22%), thực hiện 47% kế hoạch cả năm của MBS.

Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt gần 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 1 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ việc lãi từ các khoản cho vay và doanh thu từ hoạt động tư vấn tăng trong kỳ.

Chứng khoán EVS trở thành công ty thứ hai sau CVS báo lỗ trong quý II. Cụ thể, EVS ghi nhận lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi 17 tỷ đồng cùng kỳ. Doanh thu quý II giảm 40% so với cùng kỳ, trong khi chi phí tăng 7%. Theo giải trình, doanh thu từ hoạt động tự doanh giảm do thị trường biến động mạnh và thanh khoản đi xuống, cùng với việc giá cổ phiếu giảm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Chứng khoán Quốc gia (NSI) có kết quả tích cực nhờ tự doanh và cho vay cải thiện. Lãi từ FVTPL đạt 96 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ; lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng gấp đôi. Nhờ đó, doanh thu hoạt động quý II tăng 80% lên 160 tỷ đồng, dù chi phí hoạt động cũng tăng 163%.

Lợi nhuận sau thuế quý II đạt gần 35 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ và là mức cao thứ hai kể từ khi thành lập. Lũy kế 6 tháng, NSI đạt hơn 41 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 121%.

Chứng khoán OCBS ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II ở mức 2,1 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ. Theo doanh nghiệp, chi phí hoạt động và quản lý tăng cao trong quá trình mở rộng kinh doanh và tái cấu trúc bộ máy là nguyên nhân chính. Tính chung 6 tháng đầu năm, OCBS có LNST 6,6 tỷ đồng, giảm 26% và mới thực hiện 10% kế hoạch năm là 70 tỷ đồng.

Chứng khoán Ngân hàng số Vikki (VikkiBankS) báo lợi nhuận sau thuế quý II chưa đến 0,8 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ, do doanh thu hoạt động giảm 8% trong khi chi phí lại nhích nhẹ. Lũy kế 6 tháng, VikkiBankS ghi lãi 2 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán CV (CVS) tiếp tục nằm trong nhóm thua lỗ. Doanh thu hoạt động quý II tăng 143% lên gần 6 tỷ đồng nhờ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và doanh thu môi giới. Tuy nhiên, chi phí hoạt động hơn 8 tỷ đồng (tăng 40%) và chi phí quản lý trên 4 tỷ đồng (tăng 3%) khiến công ty lỗ gần 7 tỷ đồng. Đây là quý thứ 12 liên tiếp CVS báo lỗ.