KTNN 2020: Nhiều địa phương, dự án nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 8,5 nghìn tỷ

18:00 | 26/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều cơ quan trung ương, địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) với giá trị lớn, thậm chí một số địa phương, dự án còn để phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Thông tin từ kết luận tổng hợp báo cáo Kiểm toán Nhà nước 2020, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí để thanh toán nợ XDCB nguồn vốn NSTW tại văn bản số 472/BC-CP ngày 19/10/2016 và Văn bản số 470/BC-CP ngày 18/10/2017 là 9.868,848 tỷ đồng.

Tổng số tiền đã phân bổ đến 31/12/2019 là 6.885,87 tỷ đồng, trong đó, năm 2016: 3.185,206 tỷ đồng; Năm 2017: 1.851,037 tỷ đồng; Năm 2018: 766,579 tỷ đồng; Năm 2019: 1.083,048 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại Báo cáo số 533/BC-CP ngày 17/10/2020 về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thì kế hoạch đầu tư công hằng năm từ năm 2016-2020 đã bố trí đủ vốn NSTW cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSTW đến hết ngày 31/12/2014 là 7.481,3 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, tổng số Kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (không bao gồm nợ đọng xây dựng cơ bản của CTMTQG) là 7.738,9 tỷ đồng. Nếu tính cả số nợ đọng XDCB bố trí cho CTMTQG là 1.066,024 tỷ đồng thì tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản thanh toán trong giai đoạn 2016-2020 là 8.547,3 tỷ đồng. Đã bố trí vốn thanh toán hằng năm là 8.547,324 tỷ đồng (trong đó 7.481,3 tỷ đồng cho dự án không thuộc CTMTQG) phần còn lại không bố trí kế hoạch hằng năm để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản là 257,7 tỷ đồng; các dự án đã được bố trí từ nguồn vốn hợp pháp của địa phương để trả nợ hoặc giá trị nợ đọng xây dựng cơ bản giảm sau khi dự án được quyết toán.


Ngoài ra, kết quả kiểm toán cho thấy đến ngày 31/12/2019, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn nợ đọng XDCB với giá trị lớn, thậm chí một số địa phương, dự án còn để phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Có thể kể đến như Tỉnh Ninh Bình 6.338 tỷ đồng; Thanh Hóa 2.246 tỷ đồng; Bắc Ninh 1.805 tỷ đồng; Lạng Sơn 1.702 tỷ đồng; Quảng Ninh 1.158 tỷ đồng; Phú Thọ 1.075 tỷ đồng; TP. Hà Nội 890 tỷ đồng; TP. Hải Phòng 852 tỷ đồng; Long An 560 tỷ đồng; Hải Dương 500 tỷ đồng; Bộ GTVT 1.080 tỷ đồng; TAND tối cao 14,22 tỷ đồng; Bộ VHTTDL 88,15 tỷ đồng,... Dự án đầu tư xây dựng công trình đường đến trung tâm xã Thuận Hòa huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang: Đến thời điểm phê duyệt quyết toán nợ 74,8 tỷ đồng, tính đến thời điểm 30/6/2020 nợ 26 tỷ đồng; Các tỉnh Nghệ An 328,8 tỷ đồng; Hà Tĩnh 300,3 tỷ đồng; Quảng Ninh 423,8 tỷ đồng; Phú Thọ 260,6 tỷ đồng; Lào Cai 258,2 tỷ đồng; Phú Yên 102,1 tỷ đồng...


KTNN 2020: Nhiều địa phương, dự án nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 8,5 nghìn tỷ - ảnh 1

Nhiều địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản tổng số tiền lên đến hơn 8,5 nghìn tỷ. Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính (chưa bao gồm 18 đơn vị chưa báo cáo), số dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán trong năm 2019 là 66.265 dự án, bằng 70% tổng số dự án hoàn thành. Giá trị quyết toán giảm 3.594 tỷ đồng, bằng 0,46% tổng giá trị đề nghị quyết toán; 10.217 dự án hoàn thành nộp báo cáo quyết toán nhưng chưa phê duyệt (trong đó 7.665 dự án đã nộp và còn trong thời hạn thẩm tra; 2.552 dự án chậm phê duyệt quyết toán); 18.822 dự án chưa nộp báo cáo quyết toán; 10.021 dự án vi phạm thời gian quyết toán, chiếm 10,5% dự án hoàn thành (trong đó có 719 dự án vi phạm thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán trên 24 tháng).

Kiểm toán nhà nước kiến nghị Chỉnh phủ và Thủ tưởng chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó số kiến nghị xử lý tài chính của KTNN đối với niên độ ngân sách 2019. Có giải pháp đẩy mạnh thực hiện việc giải ngân, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí chi bảo vệ môi trường, chi sự nghiệp khoa học và công nghệ đã được ưu tiên bố trí dự toán chi; có giải pháp và chế tài để khắc phục tình trạng chi chuyển nguồn quá cao và liên tục tăng hàng năm. Chấn chỉnh các trường hợp cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận, sử dụng kinh phí viện trợ nhưng không quan tâm tổng hợp báo cáo kịp thời Bộ Tài chính để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, chỉ đạo Bộ KH&ĐT chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ: Giao kế hoạch vốn NSTW cho một số dự án tại các địa phương chưa phù hợp phạm vi, đối tượng của Chương trình 266,397 tỷ đồng.

Bổ sung vốn dự phòng NSTW chậm dẫn đến các địa phương không thể triển khai phân bổ được trong năm 2018 nên phải kéo thời hạn giải ngân đến hết 31/12/2020 số tiền 2.097 tỷ đồng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn dự phòng.

Phân bổ nguồn dự phòng NSTW cho một số dự án đã được ghi vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và được phân bổ vốn song chưa đủ so với kế hoạch vốn trung hạn, dự án đã được ghi vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa được bố trí vốn hàng năm và giao cho dự án thuộc nhiệm vụ chi của NSĐP trong khi chưa làm rõ việc địa phương đã sử dụng dự phòng nguồn ngân sách cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu theo quy định tại tiết b khoản 2 Điều 10 Luật NSNN.

Bố trí dự toán năm cho các dự án chưa đủ điều kiện (dẫn đến dự toán chi đầu tư phát triển chưa phân bổ là 16.861,168 tỷ đồng); giao kế hoạch vốn chậm, nhiều lần sau thời điểm 20/12/2018 chưa phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 66 Luật Đầu tư công.

Chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, các tồn tại trong công tác quản lý đã nêu tại từng báo cáo kiểm toán của KTNN thực hiện trong năm 2020.

Hải Đăng