“Kỳ lân” VNZ đặt kế hoạch có lãi trở lại sau 2 năm lỗ nghìn tỷ
Năm 2023, VNZ lỗ ròng hơn 2.000 tỷ đồng sau kiểm toán (tăng từ mức lỗ hơn 540 tỷ đồng trước kiểm toán). Năm trước đó, VNZ cũng lỗ ròng gần 1.100 tỷ đồng.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 công bố mới đây, VNZ đặt mục tiêu doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 46% so với thực hiện 2023, cũng là mức cao kỷ lục nếu hoàn thành. Đồng thời, hướng đến việc có lãi trở lại với mục tiêu lãi ròng 195 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết năm 2024 sẽ tiếp tục phát triển đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, đồng thời mở rộng thị trường. Ngoài đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ thế mạnh như trò chơi điện tử, quảng cáo, dịch vụ media, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, ví điện tử… VNZ sẽ tăng cường đầu tư vào mảng AI (trí tuệ nhân tạo) cùng các công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Hội đồng quản trị công ty sẽ trình cổ đông thông qua việc giữ lại nguồn tiền từ lợi nhuận luỹ kế và không chia cổ tức cho năm 2023.
Bên cạnh đó, VNG cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Theo đó, công ty dự định phát hành 641.064 cổ phiếu ESOP với giá 30.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 3/6, cổ phiếu VNZ đang giao dịch quanh mức 537.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá cổ phiếu ESOP trên chỉ bằng 5% thị giá VNZ hiện tại.
VNG cho biết số cổ phiếu ESOP phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán. Thời gian phát hành dự kiến từ quý 3/2024 đến khi hoàn tất các thủ tục đăng ký cần thiết theo quy định của pháp luật. Nguồn vốn thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh của công ty.
Về kế hoạch nhân sự, cũng tại đại hội sắp tới, VNG sẽ trình cổ đông chấp thuận việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban kiểm soát đối với bà Nguyễn Thị Thu Trang và bà Trương Thị Thanh theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời bầu bổ sung nhân sự Ban kiểm soát có chuyên môn phù hợp.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I vừa qua, VNG mang về 2.258 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Xét về cơ cấu, phần lớn nguồn thu đến từ dịch vụ trò chơi trực tuyến với hơn 1.722 tỷ đồng, chiếm 76,3% doanh thu. Cùng với đó, mảng dịch vụ giá trị gia tăng mang về 296,6 tỷ đồng và quảng cáo trực tuyến đóng góp 204,9 tỷ đồng doanh thu.
Mặc dù các chi phí hoạt động chung đã tiết giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao khiến VNG tiếp tục chịu lỗ sau thuế 31,3 tỷ đồng trong quý I.
Ở một diễn biến khác, trong năm 2023, VNG đã quyết định không tiến hành đợt chào bán ra công chúng tại Mỹ và sẽ có kế hoạch nộp đơn đăng ký mới trong tương lai. Một phân tích của Tech in Asia chỉ ra rằng VNG đang gặp khó khăn với tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm trong bối cảnh nền kinh tế chung bị trì trệ.
Hồi giữa tháng 5, GreenNode, công ty trực thuộc VNG cho biết hợp tác với Nvidia, giúp khách hàng toàn cầu tiếp cận và khai thác nền tảng trí tuệ nhân tạo đám mây (AI Cloud). Theo đó, GreenNode được ưu tiên tiếp cận với nhà máy mô hình AI và các thế hệ chip AI (GPU) hàng đầu của Nvidia.