Kỷ lục mới của xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng 10

Trang Mai 11:12 | 30/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
So với cùng loại gạo của 2 đối thủ là Thái Lan và Pakistan, gạo Việt Nam đang được bán với giá cao hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm USD. Điều này đã góp phần thiết lập nên kỷ lục xuất khẩu gạo trong 10 tháng đầu năm 2023.

Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu bình quân luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn. Đáng chú ý là mặc dù giá trị xuất khẩu qua 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tuy nhiên khối lượng gạo xuất khẩu mới chỉ đạt 6,6 triệu tấn. Trong khi vào năm 2011 để đạt được kim ngạch xuất khẩu 3,65 tỷ USD phải cần 7,1 triệu tấn gạo.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy xuất khẩu gạo trong tháng 10 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10/2022.

Tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ sau 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất kể từ ít nhất năm 2009. 

 

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy tính đến ngày 27/10, giá gạo  xuất khẩu của Việt Nam bỏ xa các đối thủ như Thái Lan, Pakistan. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được bán với giá 643 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 79 USD/tấn và 80 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 628 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 106 USD/tấn và 140 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu thị trường như hiện nay thu nhập của cả chuỗi ngành hàng đã có sự cải thiện nhiều so với các năm trước. Hiện dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi Philippines đang có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Bộ NN&PTNT tính toán, ở kịch bản cao nhất, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2-4,5 tỷ USD trong năm 2023.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu khi giá lúa đang tăng cao như hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu cần có chiến lược lâu dài.

Theo ông Cường: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ về việc tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Năm ngoái sản lượng lúa gạo khoảng 42,7 triệu tấn, xuất khẩu 7,13 triệu tấn; năm nay sản lượng ước khoảng 43,1 triệu đến 43,2 triệu tấn, có thể xuất khẩu vượt kỷ lục của năm ngoái. Vấn đề giá cả sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng nhưng với lượng dự trữ quốc gia hiện nay sẽ không ảnh hưởng".

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kết quả sản xuất vụ mùa năm nay được dự báo đạt mức khá do người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc lúa đồng thời sử dụng giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao.  Tính đến trung tuần tháng 10, cả nước thu hoạch được 1.028,3 nghìn ha lúa mùa, chiếm 66,6% diện tích gieo cấy và bằng 106,9% cùng kỳ năm trước.

Ảnh: Tổng cục thống kê

Cùng với chăm sóc và thu hoạch lúa mùa, các địa phương trên cả nước hoàn thành sản xuất lúa hè thu với diện tích đạt 1.912,8 nghìn ha, giảm 1,9 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2022. Diện tích gieo cấy vụ hè thu năm nay giảm do người dân giảm diện tích xuống giống ở phần đất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn.  

Theo quan điểm của Chứng khoán VnDirect, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam. 

Lộc Trời (mã: LTG) sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là Châu Âu và Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung An (mã: TAR) sẽ được hưởng lợi từ việc sản lượng tại Trung Quốc giảm và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo do hạn hán. Kinh doanh gạo là mảng kinh doanh chính của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên tới 27% tổng doanh thu xuất khẩu năm 2022.