‘Giá gạo xuất khẩu nửa đầu năm 2024 sẽ không dưới 650 USD/tấn nếu Ấn Độ chưa gỡ bỏ lệnh cấm’

Phạm Mơ 08:07 | 27/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo dự báo của chuyên gia và doanh nghiệp, giá gạo xuất khẩu cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024 sẽ không dưới 650 USD/tấn, thậm chí bật lên 1.000 USD/tấn nếu Ấn Độ chưa dỡ bỏ các lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu gạo.

Giá gạo xuất khẩu duy trì ở ngưỡng trên 600 USD/tấn

Chia sẻ với tờ Finacial Express, một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho biết Chính phủ nước này đang theo dõi vụ thu hoạch lúa hiện tại, quyết định nới lỏng xuất khẩu các loại gạo có thể được xem xét vào năm 2024.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhận định khi nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới duy trì các lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu, Việt Nam cùng các “vựa lúa” khác sẽ tiếp tục hưởng lợi.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến giữa tháng 10, Việt Nam xuất khẩu hơn 6,7 triệu tấn gạo, thu về trên 3,7 tỷ USD. Đây là doanh số cao nhất kể từ khi ngành gạo tham gia vào thị trường thế giới.

 

Các nhà nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia vẫn có nhu cầu gom thêm lương thực, do vậy, cơ hội bán hàng của các doanh nghiệp có thể được “gối đầu” sang năm sau nhờ đặc thù sản xuất ba vụ lúa/năm, tháng 1/2024 đã có lúa Đông Xuân.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho rằng trường hợp Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm gạo cho đến nửa đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao và không dưới 650 USD/tấn.

Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy sau khi Ấn Độ ban hành hàng loạt lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, giá hàng hóa này của Việt Nam và Thái Lan có đợt tăng mạnh từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9.

Vào ngày 10/8, giá gạo tấm 5% của Thái Lan lập đỉnh 651 USD/tấn, còn hàng Việt Nam ở mức 638 USD/tấn. Ngay sau đó, giá gạo của hai nhà sản xuất biến động trái chiều và hiện đã tạo ra khoảng cách lớn.

Cập nhật đến ngày 24/10, giá gạo 5% của Thái Lan đạt 569 USD/tấn, giảm 12,5% so với mức đỉnh, trong khi gạo Việt vẫn tiếp đà tăng 8% lên 643 USD/tấn. Hàng Việt Nam đã duy trì ở mặt bằng trên 600 USD/tấn từ đầu tháng 8 đến nay.

 

Bàn về triển vọng ngành trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cho biết giá gạo đang cao hơn nhiều so với mặt bằng những năm trước, đợt tăng giá có thể kéo dài vì lực cầu mạnh hơn cung.

“Nếu tình hình Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu ra thế giới thì giá gạo có khả năng đạt đến 1.000 USD/tấn, mức kỷ lục năm 2008”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

GS. TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có khả năng đạt 1.000 USD/tấn trong bối cảnh cung thấp hơn cầu và hiện tượng El Nino sẽ tác động mạnh mùa vụ vào cuối năm 2023 và mùa xuân năm tới.

Theo chuyên gia, cơn sốt gạo sẽ dừng lại hay kéo dài sang năm 2024 sẽ phụ thuộc vào diễn biến của El Nino. Nếu El Nino không tệ như dự báo, tình hình sản xuất lúa gạo sẽ khá hơn, giá có thể sẽ giảm nhẹ, tuy nhiên không thấp như trước đây, mặt hàng này đã thiết lập mặt bằng giá mới, từ 600 USD/tấn trở lên.

Nông dân sẽ hưởng lợi nhiều

Những biến động ở thị trường thế giới cũng khiến giá lúa gạo nguyên liệu trong nước "nóng" lên.

 

Dữ liệu của Wi Group cập nhật giá gạo nguyên liệu ngày 24/10 ở mức 14.100 đồng/kg, tăng 40% so với đầu năm 2023 và tăng 65% so với đầu năm 2022. Sau khi Ấn Độ siết xuất khẩu, giá gạo nguyên liệu đã có cú bật tăng và duy trì ở mức cao.

(Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam)

Thời điểm này đang là cuối vụ Hè Thu, nguồn hàng bán cho doanh nghiệp khan dần khiến giá thu mua lúa gạo tiếp tục đà tăng.

Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy trong tuần 12/10 - 19/10, giá thu mua gạo tấm 5% tại ĐBSCL đã tăng 493 đồng/kg so với tuần trước đó lên 14.858 đồng/kg; giá mua lúa thường tại ruộng cũng tăng 193 đồng/kg lên 9.475 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, giá gạo xuất khẩu tăng, doanh nghiệp không phải là đối tượng hưởng lợi, người "được" nhiều nhất chính là nông dân trồng lúa. Trong khi đó, giá nguyên liệu tăng cao, các doanh nghiệp "4 không" gồm không vốn, không vùng nguyên liệu, không nhà máy và kho chứa có thể sẽ rủi ro trượt giá.

Để doanh nghiệp có thể “an toàn” khi giá thị trường biến động mạnh, GS. TS Võ Tòng Xuân khuyến cáo các công ty không nên ký hợp đồng theo giá cố định mà đàm phán giá kèm theo điều kiện tăng/giảm trong phạm vi nhất định.

Ngay cả các hợp đồng thu mua nguyên liệu với nông dân cũng cần có sự linh hoạt, giá cao doanh nghiệp sẽ bù thêm cho nông dân, giá giảm thì nông dân chia sẻ với doanh nghiệp. Trong mối liên kết bền vững, doanh nghiệp và nông dân sẽ cùng nhau chia sẻ cơ hội và rủi ro.