Lạ lùng chuyện tỉnh nghèo Hậu Giang, Hà Nam xếp `bét bảng` tiết kiệm ngân sách

22:06 | 27/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiều 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 56, cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm ngân sách, chống lãng phí năm 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (được cập nhật đến ngày 5/5), 117 cơ quan đơn vị (34 bộ ngành; 63  tỉnh, thành, 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỉ đồng.

Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước là 50.628 tỷ đồng, còn tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp là hơn 34.000 tỉ đồng.

Lạ lùng chuyện tỉnh nghèo Hậu Giang, Hà Nam xếp `bét bảng` tiết kiệm ngân sách - ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Đáng lưu ý, tính về số tiền tiết kiệm ở cả 2 mục ngân sách, vốn nhà nước và vốn tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị tiết kiệm được nhiều nhất, với 15.755 tỉ đồng. Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2, với tổng số tiền tiết kiệm hơn 10.287 tỉ đồng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng thứ 3 với tổng số tiền tiết kiệm được trên 6.558 tỉ đồng (tiền tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp). Kế đến, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội (Viettel) tiết kiệm được hơn 3.999 tỉ đồng. Xếp thứ 5 về số tiền tiết kiệm được là Bộ Quốc phòng, với hơn 3.703 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền là tiết kiệm ngân sách và vốn nhà nước.

Cùng với đó, có khoảng 10 cơ quan đơn vị tiết kiệm được từ 1.000 – 2.000 tỉ đồng, như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Lâm Đồng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam…

Trong số 117 cơ quan, TP.HCM, Đồng Tháp chưa có báo cáo về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và số tiền tiết kiệm được. Thông tấn xã Việt Nam không có dữ liệu về số tiền tiết kiệm được trong năm 2020.

Nếu tính riêng 34 bộ và cơ quan Trung ương, tổng số tiền tiết kiệm được gần 11.154 tỉ đồng. Trong đó, số tiền tiết kiệm ngân sách và vốn nhà nước hơn 11.000 tỉ đồng; số tiền tiết kiệm từ vốn doanh nghiệp là 135,541 tỉ đồng.

Trong khối các bộ và cơ quan Trung ương thì Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là 3 cơ quan tiết kiệm được nhiều nhất, kế đến là Bộ GTVT.

Còn với 63 tỉnh, thành, Hà Nội tiết kiệm nhiều nhất, đến Lâm Đồng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu... Các tỉnh Hậu Giang, Hà Nam, Hưng Yên xếp ở cuối bảng khi tiết kiệm được dưới 100 tỉ đồng.

Trong khối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kế đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội... 

Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Giấy Việt Nam tiết kiệm được ít nhất trong khối này với tổng số tiền tiết kiệm được chỉ dưới 10 tỉ đồng.

Thẩm tra báp cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Cụ thể, vẫn còn 2/63 địa phương (Đồng Tháp, TP.HCM) chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Một số báo cáo còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả.

Một số bộ, ngành chưa thực hiện chấm điểm theo quy định như Bộ Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Văn hóa thể thao và du lịch, Văn phòng Chính phủ…

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm.

Quang Hải