Lãi ròng giảm hơn 8% sau soát xét, Xây dựng Hòa Bình (HBC) giải thích ra sao?
HOSE cho biết ngày 5/9 đã nhận được Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 riêng và hợp nhất của HBC được soát xét bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Tới ngày 8/9, HOSE nhận được công bố thông tin của HBC giải trình kết quả kinh doanh trước và sau soát xét bán niên năm 2022 có sự chênh lệch từ 5% trở lên.
Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính ngày 16/11/2020 quy định khi công bố thông tin các báo cáo tài chính nêu tại 1,2 và 3 Điều này, tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải đồng thời giải trình nguyên nhân khi xảy ra một trong các trường hợp sau lợi nhuận sau thuế trong kỳ báo cáo có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán hoặc soát xét từ 5% trở lên. Như vậy, HBC đã chậm công bố thông tin về giải trình nguyên nhân chênh lệch trước và sau soát xét từ 5% trở lên đối với lợi nhuận sau thuế cho kỳ BCTC soát xét bán niên năm 2022.
HOSE nhắc nhở và đề nghị Xây dựng Hòa Bình nghiêm túc tuân thủ quy định hiện hành về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét, HBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.127 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ 2022 và tăng nhẹ 1% (tương đương 64 tỷ đồng) so với trước soát xét. Lợi nhuận gộp theo đó tăng gần 70 tỷ đồng, tương đương gần 30% so với trước soát xét lên 401 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 5,6%, tăng so với mức 4,7% trước soát xét nhưng giảm mạnh so với biên lãi gộp 7,2% cùng kỳ năm ngoái.
Sau soát xét, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp ghi nhận đạt 56 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và giảm 8,4% (tương đương giảm 5 tỷ đồng) so với trước soát xét.
HBC giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm so với trước soát xét là do: Lợi nhuận gộp tăng gần 70 tỷ đồng, cùng đó chi phí bán hàng giảm 1,4 tỷ đồng khi chỉnh trình bảy khoản chi phí thuê văn phòng vào chi phí quản lý doanh nghiệp (1,7 tỷ đồng), tăng chi phí môi giới nội bộ 308 tỷ đồng; tuy nhiên ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 28,5 tỷ đồng do trích lập thêm dự phòng phải thu khó đòi 26,3 tỷ đồng, trích lập thêm khấu hao TSCĐ 507 tỷ đồng, tăng chi phí thuê văn phòng từ chi phí bán hàng vào chi phí quản lý doanh nghiệp 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, thu nhập khác giảm 48,7 tỷ đồng do giảm khoản lãi chậm thanh toán chưa thực hiện.
Ảnh hưởng của các khoản điều chỉnh doanh thu, giá vốn, doanh thu tài chính, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý và thu nhập khác làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 1,1 tỷ đồng.
Do đó tính chung, sau soát xét, lãi sau thuế của doanh nghiệp giảm hơn 5 tỷ đồng, tương đương 8,4% so với trước soát xét.
Nếu xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp), bán niên 2022, HBC ghi nhận lỗ gần 139 tỷ đồng so với mức lãi 25 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Còn theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện âm 1.358 tỷ đồng.
Cùng đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 200 tỷ đồng. Bù lại, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 1.460 tỷ, nhờ tiền thu từ đi vay 5.629 tỷ trong khi tiền trả nợ gốc vay chỉ 4.202 tỷ đồng. Kết quả, lưu chuyển dòng tiền thuần của doanh nghiệp trong kỳ chỉ âm 98,3 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm mạnh so với mức dương 132,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Biểu đồ dưới đây cho thấy sau năm 2021 dòng tiền kinh doanh khởi sắc chuyển dương, HBC lại ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm trong nửa đầu năm 2022:
Trong năm 2022, HBC đặt kế hoạch doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, HBC mới hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 16% kế hoạch lợi nhuận cả năm.